Thứ Sáu, 14/08/2015, 11:06 (GMT+7)
.

Nhà báo Hữu Thọ - Ngọn lửa sẽ không tắt!

Những người làm báo và công chúng báo chí Việt Nam sửng sốt, bàng hoàng khi được tin nhà báo Hữu Thọ đột ngột qua đời. Một sự hụt hẫng, tiếc thương vô hạn!

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà báo Hà Nội không giấu được xúc động khi bắt đầu câu chuyện về Nhà báo lão thành Hữu Thọ, người vừa qua đời sáng 13-8.

Nhà báo Hữu Thọ
Nhà báo Hữu Thọ.

Nhà báo Hữu Thọ là một trong những nhà báo hiếm hoi tiến dần từ vai trò phóng viên tới các vị trí quan trọng: Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương và trợ lý Tổng Bí thư cho đến khi về hưu. Là một nhà báo thế hệ sau, ông có những cảm nhận như thế nào về bậc tiền bối của mình?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Trong cuộc đời làm báo và làm công tác tư tưởng, tuyên giáo của mình, tôi không có may mắn được làm cấp dưới trực tiếp của nhà báo Hữu Thọ - nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, nhưng thực sự ông đã lặng lẽ in đậm dấu ấn như một người hướng dẫn trực tiếp, như một người Thầy thật sự đối với bản thân tôi.

Đó không chỉ là bằng những bài phóng sự điều tra nổi tiếng về nông nghiệp và nông thôn mấy chục năm trước đây khi đất nước còn mày mò tìm cách thức vượt qua lề lối làm ăn cũ bằng chủ trương khoán hộ. Đó không chỉ là hàng trăm bài báo dưới chuyên mục “Chuyện làm ăn” rất ấn tượng trên báo Nhân dân. Đó không chỉ là các tác phẩm báo chí được chọn lọc in trong 20 tập sách của ông. Đó còn là những cuộc trao đổi, đối thoại nghề nghiệp của ông với các thế hệ làm báo trên mọi miền đất nước.

Nhiều nhà báo trẻ đã không giấu nổi hạnh phúc khi được nhà báo Hữu Thọ tiếp chuyện một cách thân tình, cởi mở và bình đẳng về chuyện đời, chuyện nghề.

Tinh hoa của ngòi bút Hữu Thọ đã được những người làm báo sau này biết đến ra sao, thưa ông?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Hữu Thọ nổi tiếng trước hết thông qua các tác phẩm báo chí. Cái “chất Hữu Thọ” thể hiện rõ nét trong cách chọn đề tài - vốn là việc nằm trong trung tâm sự chú ý của dư luận nhưng không dễ lý giải; trong cách phân tích, lập luận, mà ở đó tinh thần đối thoại và tính thuyết phục được đặt lên hàng đầu.

Đồng nghiệp nhiều thế hệ khác nhau cũng như công chúng báo chí quý trọng và ngưỡng mộ nhà báo Hữu Thọ ở đức tính cần cù, bền bỉ, tinh thần tiên phong, phẩm chất sáng tạo, bản lĩnh của người cầm bút, của người lãnh đạo báo chí và của người làm công tác tư tưởng văn hóa.

Phẩm chất nhà báo của ông được thể hiện rõ nét không chỉ khi ông là người cầm bút, không chỉ khi ông là Tổng biên tập tờ báo lớn nhất nước, mà còn rạng ngời ngay cả khi ông làm công tác tư tưởng tuyên giáo, vốn vẫn bị xem là khô khan, giáo điều, cứng nhắc. Đó chính là khả năng nắm bắt hơi thở của đời sống xã hội, sự gắn bó mật thiết với nhân dân, sự nhạy bén cảm nhận được những gì là nóng bỏng, bức thiết nhất liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân.

Sau này, khi đã ở những cương vị công tác cao, nhà báo Hữu Thọ vẫn phát huy phẩm chất của người làm báo cách mạng…

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Khi đã ở cương vị Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, Trợ lý Tổng Bí thư, phẩm chất nhà báo của ông vẫn ngời sáng. Đó là tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, bảo vệ sự thật và công lý. Hữu Thọ nổi tiếng với câu nói “Mắt sáng – lòng trong – bút sắc”, vốn sau này được lấy làm tên một quyển sách của ông. Cả cuộc đời lao động báo chí của mình, ông đã hành động theo tinh thần đó.

Suốt đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Hữu Thọ đã trở thành một trong những tấm gương mẫu mực trong nền báo chí cách mạng Việt Nam đương đại.

Kỷ niệm cuối cùng của ông với nhà báo Hữu Thọ chắc chỉ mới đây, trong Đại hội Hội nhà báo Việt Nam lần thứ 10?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Mới cách đây 4 ngày, nhà báo lão thành đáng kính này còn chống gậy đến dự Đại hội Hội nhà báo Việt Nam lần thứ 10 tại Cung Hữu nghị ở Thủ đô Hà Nội. Hôm đó, sau khi Đại hội kết thúc thành công, lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã tổ chức cuộc gặp thân mật tất cả các đại biểu dự Đại hội.

Ngồi cùng bàn tiệc hôm đó là các đồng chí Phạm Quang Nghị, Nguyễn Thế Thảo, Ngô Thị Thanh Hằng cùng các nhà báo Hà Đăng,Thuận Hữu, Trần Bình Minh… Tôi xoa vào đầu gối của bác Hữu Thọ vốn bị đau nặng từ mấy năm trước do một tai nạn: “Bác ơi, cái chân của bác dạo này đã đỡ chưa ạ”. Nhà báo Hữu Thọ nắm chặt tay tôi, cười lạc quan: “Đã khá hơn trước rồi”. Và câu chuyện của chúng tôi càng lúc càng sôi nổi về những vấn đề thời sự của đời sống báo chí. Niềm vui đan xen bao điều trăn trở.

Vĩ thanh một cuộc đời

Nhà báo Hữu Thọ trút hơi thở cuối cùng vào sáng 13-8-2015 khi giới báo chí và nhân dân cả nước đang sống trong những ngày thu lịch sử. Những ngày này 70 năm trước, Hữu Thọ là một trong những người tham gia vào cuộc cách mạng long trời lở đất giành chính quyền về tay nhân dân tại Thủ đô Hà Nội. Cuộc đời của ông trọn vẹn là cuộc đời của một người chiến sĩ cách mạng, cuộc đời của một người cầm bút kiên cường chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp, vì hạnh phúc của nhân dân.

Nhà báo Hồ Quang Lợi kết thúc cuộc nói chuyện với chúng tôi bằng những lời khẳng định: “Mặc dù nhà báo Hữu Thọ không còn ở trên cõi đời này, nhưng những người làm báo và công chúng báo chí nước nhà như vẫn còn nhìn thấy hình ảnh, như vẫn còn nghe thấy giọng nói truyền cảm của ông trong những cuộc đối thoại đầy nhiệt huyết về đời sống xã hội, về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, về đạo đức nghề báo, về trách nhiệm xã hội và lương tâm của người cầm bút. Ông và những nhà báo lão thành nổi tiếng thuộc thế hệ của ông đang khích lệ tinh thần chiến đấu và ngọn lửa cống hiến cho đất nước và nhân dân trong các thế hệ những người làm báo Việt Nam hôm nay”.

(Theo chinhphu.vn)

 

.
.
.