Thứ Hai, 17/08/2015, 13:49 (GMT+7)
.

Nhiều yếu tố tác động đến các doanh nghiệp

Thông tin kinh tế nổi bật trong những ngày qua là việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ ít nhiều ảnh hưởng đến thị trường trong và ngoài nước. Câu hỏi được đặt ra là, với những thông tin như thế sẽ tác động như thế nào đối với các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Đại Thành.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Đại Thành.

Tác động từ thị trường tiêu thụ

Câu trả lời được đưa ra từ các DN, chủ yếu là các DN xuất khẩu (XK) các nhóm hàng chủ lực của tỉnh, cho rằng đó chỉ là yếu tố nhất thời và cần thêm thời gian để đánh giá toàn diện. Điều mà các DN lo ngại lại được hướng vào các yếu tố khác.

Ông Hà Văn Tính, Giám đốc Công ty TNHH Đại Thành (xã Song Thuận, huyện Châu Thành) cho rằng, trong thời gian qua hoạt động XK thủy sản gặp rất nhiều khó khăn, giá cả sụt giảm. Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới nên các nhà nhập khẩu cũng quan ngại dẫn đến giá cả không ổn định.

Kết quả sản xuất - kinh doanh (SXKD) những tháng đầu năm 2015 của công ty cho thấy, các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận đều giảm 20%. Trung bình mỗi năm giá trị XK của công ty đạt khoảng 60 - 70 triệu USD, trong 6 tháng đầu năm 2015 cũng chỉ đạt gần 30 triệu USD.

“Trước khó khăn như thế, bản thân DN phải tìm cách giảm chi phí sản xuất. Chẳng hạn, đối với Công ty TNHH Đại Thành, phải làm thêm kho lạnh để trữ hàng, hạn chế sản xuất để giảm lượng hàng tồn kho, chủ động vùng nuôi, nhập máy móc sản xuất cần thiết để giảm chi phí sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm có giá thành hợp lý để dễ cạnh tranh hơn.

Bên cạnh đó, công ty cũng đang xây dựng nhà máy chế biến thức ăn có công suất khoảng 350 tấn/ngày, với vốn đầu tư khoảng 10 triệu USD, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016 nhằm tạo quy trình sản xuất khép kín, tiết giảm chi phí hơn” - ông Hà Văn Tính cho biết.

Đồng tình với những nhận định trên, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc GODACO cho rằng, nhìn chung hoạt động SXKD của hàng thủy sản thời gian qua thật sự không được tốt. Đối với thị trường nước ngoài, các rào cản về kỹ thuật, thương mại các nước vẫn duy trì áp dụng.

Riêng trong năm 2015, do đồng Euro mất giá so với đồng USD làm cho thị thường châu Âu, thị trường chính tiêu thụ thủy sản Việt Nam bị ảnh hưởng lớn. Tỷ lệ mất giá giữa Euro so với USD từ 15 - 20%, nếu các DN giữ giá bán bình thường thì vô hình trung giá bán cao hơn tương đương từ 15 - 20%.

Do vậy, giá bán thủy sản những tháng đầu năm 2015 không những không tăng mà còn có xu hướng giảm nên tạo thêm áp lực cho các DN. Còn đối với thị trường trong nước, các yếu tố đầu vào có giảm chút ít nhưng cũng cần có thời gian để giá thành sản xuất mới có thể giảm theo.

Thực tế cho thấy rằng, giá thành sản xuất trong nước đối với nhóm ngành thủy sản thời gian qua có giảm nhưng không nhiều, chỉ dao động từ 3 - 5%. Trong khi đó, thị trường XK thủy sản của Việt Nam chủ yếu là Mỹ và châu Âu.

Thị trường Mỹ đang bị rào cản về thuế quan nên lượng thủy sản nhập vào thị trường này ít. Thị trường trọng điểm là châu Âu, DN phải chủ động giảm giá để giữ khách hàng và để tiêu thụ được hàng hóa. Do vậy, so với cùng kỳ của năm 2014, giá bán vào thị trường châu Âu đã giảm từ 5 - 7% tùy theo thời điểm.

Áp lực từ nội tại

Một trong những yếu tố được đánh giá là góp phần khó khăn đối với các DN XK thủy sản là những rào cản trong nước. Mà cụ thể nhất là Nghị định 36 của Chính phủ có những điểm chưa phù hợp nhưng chưa được điều chỉnh nên trở thành những nút thắt cho DN. Nghị định 36 ra đời nhằm hỗ trợ cho nuôi trồng, chế biến, XK cá tra. Tuy nhiên, một số quy định của nghị định lại chưa phù hợp, chẳng hạn: Tỷ lệ mạ băng, độ ẩm, thủ tục XK.

DN XK thủy sản đang mong mỏi rằng, quy định về tỷ lệ mạ băng hay độ ẩm nên được điều chỉnh theo nhu cầu của thị trường. Chứ theo quy định hiện nay, tỷ lệ mạ băng là 10%, độ ẩm là 83% thì thành phần khách hàng tiêu thụ rất thấp, chỉ khoảng 5% tiêu thụ được.

“Chúng ta cần nhìn nhận rằng, cá tra là mặt hàng phổ thông, nếu quy định chất lượng cao cấp thì khách hàng tiêu thụ ít lại do giá cao hơn, dẫn đến rất khó bán hàng. Việc đăng ký hợp đồng XK qua Hiệp hội cá tra cũng chưa phù hợp làm tốn kém chi phí và thời gian của DN” - ông Nguyễn Văn Đạo phân tích.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Đại Thành.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Đại Thành.

Cũng chỉ ra những điểm bất cập của Nghị định 36, ông Hà Văn Tính phân tích thêm, đối với vùng nuôi trồng, với mật độ nuôi trong 10 năm trở lại đây là 80 con/m2, trong khi theo Nghị định 36 quy định mật độ nuôi là 40 con/m2.

Nếu DN thả nuôi theo mật độ quy định trong Nghị định 36 dẫn đến chi phí nuôi tăng lên, rất khó cạnh tranh về giá bán. Do đó, vừa qua các DN chế biến thủy sản XK đã đề nghị Chính phủ chỉnh sửa một số điểm còn bất cập trong Nghị định 36 để DN SXKD một cách hiệu quả hơn, nhưng đến nay vẫn chưa được điều chỉnh.

“Hiện nay, ngoài việc điều chỉnh Nghị định 36, cần có chính sách ưu đãi như về lãi suất ngân hàng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho DN; cải tiến về thủ tục hành chính vì hiện nay XK thủy sản phải đăng ký. Riêng về lãi suất vay ngân hàng cần giảm thêm khoảng 2%/năm mới giúp DN hoạt động có hiệu quả. Bởi trước tình hình khó khăn hiện nay, DN làm thế nào để ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động chứ không mong đạt được lợi nhuận” - ông Hà Văn Tính cho biết.

Ở khía cạnh khác, các DN cho rằng, thông qua các hiệp định mà Việt Nam vừa ký kết, thuế suất mặt hàng thủy sản được kéo về 0%. Đây là thông tin tốt đối với mặt hàng thủy sản XK vào thị trường châu Âu, trong đó có các DN trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, thực sự là đến nay mỗi DN đón nhận thông tin lạc quan đó để cho giá bán cải thiện hơn, lượng hàng hóa tiêu thụ vào châu Âu tăng hơn là chưa thấy mà chỉ hy vọng sẽ diễn ra trong thời gian tới. Bởi theo đánh giá của các DN, đây chỉ là những thông tin mang tính hỗ trợ còn vấn đề quyết định mua bán, nhịp độ sôi động như thế nào là do nhu cầu thị trường.

Trong khi đó, kinh tế châu Âu thời gian qua không được tốt, cộng với đồng Euro bị mất giá so với USD. Cộng hưởng các yếu tố này sẽ ảnh hưởng nhiều hơn việc gỡ bỏ những rào cản thuế quan giữa Việt Nam và EU. Khi thị trường tiêu thụ tốt hơn, cộng với sự tác động từ các hiệp định thương mại, mới góp phần cải thiện về giá cả cũng như sản lượng tiêu thụ nhóm hàng thủy sản Việt Nam.

“Hiện nay, DN mong mỏi nhất là Hiệp định TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương). Nếu TPP được ký kết, hàng thủy sản Việt Nam được dự báo sẽ phát triển mạnh” - ông Hà Văn Tính nhận định.

Như vậy, không chỉ đến khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ mới tác động đến hoạt động của các DN mà bản thân mỗi DN cũng đã và đang chịu rất nhiều áp lực, trong đó đáng kể nhất là nhóm hàng thủy sản XK.

PHƯƠNG ANH

.
.
.