Thứ Bảy, 10/10/2015, 07:41 (GMT+7)
.

TPP và chặng đường tiếp theo

Cách đây 8 năm, nền kinh tế Việt Nam bước vào sân chơi lớn là trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Liền sau đó nhiều hiệp định song phương liên quan đến kinh tế cũng đã được ký kết. Và nay là đàm phán về TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương) đã chính thức khép lại.

Doanh nghiệp dệt may được dự báo có nhiều cơ hội khi TPP đi vào thực hiện
Doanh nghiệp dệt may được dự báo có nhiều cơ hội khi TPP đi vào thực hiện.

Nhiều câu hỏi đang được đặt ra là liệu khi tham gia vào sân chơi chung, kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN trên địa bàn tỉnh sẽ được - mất như thế nào? Các chuyên gia đã phân tích rằng, lẽ đương nhiên là DN sẽ được lợi nhiều hơn mất, nhưng bao giờ cơ hội cũng đi kèm với thách thức.

Còn liên quan đến những thông tin về kinh tế thời gian vừa qua, nhất là khi tiến trình TPP đi vào giai đoạn cuối, ông Hà Văn Tính, Giám đốc Công ty TNHH Đại Thành cho rằng, đó là một cơ hội rất tốt để các DN tăng cường xuất khẩu (XK) do lợi thế về thuế suất được kéo về 0% đối với nhiều nhóm mặt hàng, thị trường tiêu thụ sản phẩm sẽ rộng mở hơn, trong đó có thị trường tiêu thụ lớn như Hoa Kỳ.

Một trong những nhóm ngành được đánh giá là sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP là dệt may. Nếu như với những gì đã được cam kết, ngành Dệt may có nhiều cơ hội để tăng tốc. Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, TPP sẽ tạo ra “cú hích” lớn và mang đến động lực quan trọng cho sự phát triển của dệt may Việt Nam, góp phần đưa dệt may Việt vươn lên tầm cao hơn trong tương lai gần.

Tuy nhiên, để được hưởng thuế suất 0%, các DN dệt may phải chấp nhận áp dụng nhiều quy định khắt khe mà công thức “từ sợi trở đi” với việc các khâu, đoạn từ kéo sợi - dệt - nhuộm - hoàn tất và may phải được làm tại các nước thành viên TPP.

Chính điều này đã gây trở ngại cho dệt may Việt Nam, bởi phân khúc dệt - nhuộm - hoàn tất tại nước ta còn yếu, trở thành “nút thắt cổ chai” gây cản trở cho toàn ngành. Trong khi đó, hiện 70% hàng dệt may XK của Việt Nam được thực hiện theo phương thức CMT (cắt - ráp - hoàn thiện), với 88% nguyên phụ liệu (chủ yếu là vải) phải nhập khẩu từ nước ngoài, mà phần lớn các nước này không nằm trong TPP.  Bên cạnh đó, trang thiết bị, công nghệ không theo kịp các nước khác, gia công giá rẻ làm lợi thế cạnh tranh đang bị các quốc gia mới nổi trong ngành Dệt may lấn sân.

Liên quan đến vấn đề này, trong trao đổi gần đây, ông Lâm Thọ Hải, Giám đốc sản xuất Công ty cổ phần May Tiền Tiến cho rằng, hiện các DN dệt may của Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng chỉ may gia công hoặc làm hàng FOB chứ chưa đủ khả năng làm theo các quy định mới của TPP. Nhưng trước sau gì DN cũng phải thực hiện theo xu hướng chung này.

Do vậy, các DN phải liên kết lại với nhau, chứ riêng từng DN cũng rất khó thực hiện và cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Riêng các tổng công ty cũng cần có những định hướng, hoạch định cho các công ty con hoạt động theo xu hướng chung.

Ông Hải cho biết, hiện nay khi nhập nguyên phụ liệu từ nước ngoài, chỉ riêng thời gian tàu chạy cũng mất ít nhất hơn nửa tháng, nên thời gian sản xuất của DN ít. Nếu có nguyên phụ liệu trong nước, các DN dệt may sẽ đáp ứng được tiến độ giao hàng, chất lượng sản phẩm sẽ tốt hơn nhờ chủ động được thời gian.

Nhưng trên thực tế, hiện nay đa số nguyên phụ liệu của ngành may được nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc nên việc tham gia TPP cũng tạo cơ hội cho các DN nước ngoài đầu tư vào ngành dệt, nhuộm, sợi. Ngành Dệt may của Việt Nam đang phát triển nhanh, nên sẽ thu hút được DN nước ngoài nhảy vào thị trường Việt Nam.

“Theo quy định mới của TPP, tất cả các nguyên phụ liệu của ngành Dệt may phải được sản xuất trong nước. Nhưng đối với nền kinh tế của Việt Nam chắc chắn sẽ có lộ trình cụ thể để áp dụng các quy định này. Muốn vậy thì ngành Dệt, sợi, nhuộm phải gom lại với nhau” - ông Lâm Thọ Hải cho biết.

Kim ngạch XK tăng ấn tượng

Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu (XK) của tỉnh 9 tháng qua ước đạt 1,32 tỷ USD, tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm 2014 (tương đương tăng 248 triệu USD), đạt 82,9% kế hoạch năm. XK tiếp tục tăng trưởng, chủ yếu nhờ vào hàng may mặc, túi xách, giày; tỷ trọng trong kim ngạch XK 3 mặt hàng này chiếm trên 60% (tăng gần 50% so cùng kỳ).

Riêng nông, thủy sản tiếp tục khó khăn, chỉ còn chiếm khoảng 20% trong tổng kim ngạch của tỉnh, do nhu cầu nhập khẩu giảm trong khi nguồn cung các nước tăng, cạnh tranh dẫn đến giá giảm, bên cạnh đó thị trường ngày càng đòi hỏi độ an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch, dư lượng thuốc trừ sâu…

So với 9 tháng năm 2014, thủy sản chế biến và gạo XK năm 2015 đều giảm, trong đó gạo giảm mạnh gần 24%. XK rau quả không đáng kể trong kim ngạch XK của tỉnh (chỉ chiếm 0,4%). Nhìn chung, XK tăng chủ yếu nhờ các DN có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ trọng 60% trong tổng kim ngạch XK của tỉnh.

Còn theo đánh giá của Sở Công thương, TPP là hiệp định thương mại tự do của các nước. Khi ký kết và đi đến thực hiện, các DN nói chung và ngành Dệt may nói riêng có những thách thức và cơ hội tồn tại song song, đan xen lẫn nhau.

Trước hết, DN Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ vào các nước này, giúp tăng kim ngạch XK và khả năng cung ứng cho các thị trường với ưu đãi về thuế từ giảm cho đến 0%. Vì vậy, DN có khả năng cơ cấu lại thị trường của mình và tăng năng lực cạnh tranh của các DN nói chung và của ngành Dệt may nói riêng.

Do áp lực cạnh tranh, với thuế suất giảm, các DN phải chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến phương pháp quản lý. Riêng về DN may phải tự thiết kế, sản xuất nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu nội địa hóa mới được XK vào các nước này.

Về thách thức, ngoài ưu đãi về thuế, các DN phải đối mặt với các rào cản thương mại. Các nước chắc chắn sẽ tăng cường các hàng rào kỹ thuật, an toàn thực phẩm, môi trường, lao động.

Đây là những thách thức không nhỏ đối với DN nói chung và ngành may mặc nói riêng. Bên cạnh đó, các DN sẽ gặp khó khăn về vốn, khả năng đầu tư để đổi mới công nghệ và phải tự sản xuất nguyên liệu để đáp ứng được yêu cầu.

Ngành may phải sản xuất được nguyên liệu từ khâu kéo sợi, đến dệt, nhuộm, may XK. Hiện nay nguyên liệu ngành may chủ yếu là vải chỉ chiếm 20 - 25%, còn lại là nhập khẩu, do đó ngành may phải đầu tư vào vùng nguyên liệu nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Tất nhiên, TPP không chỉ tác động đến ngành Thủy sản hay Dệt may mà còn tác động đến rất nhiều nhóm ngành hàng khác. Một trong những nhóm ngành được dự báo sẽ chịu tác động lớn khi TPP chính thức đi vào thực hiện đó là nông nghiệp. Có lẽ khó khăn lớn vẫn là sức ép cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo như đánh giá của ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam trả lời báo chí ngay khi kết thúc đàm phán TPP: “Đây không phải là lần đầu tiên ta hội nhập. Việt Nam đã hội nhập cách đây 20 năm và có ngần đó thời gian hành trang và chuẩn bị. Do đó, tôi cho rằng chúng ta đủ sức để tiến vào cuộc chơi mới này.

DN Việt Nam rất năng động. Nếu họ có một tư duy đúng đắn, tiến công, xác định sẽ tự làm tất cả trước khi kêu gọi sự giúp đỡ, tôi nghĩ rằng với tinh thần đó, chắc chắn DN sẽ thành công. Dĩ nhiên, Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ”.

THẾ ANH

TPP là gì?

TPP, viết tắt của từ Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương), là một hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 12 thành viên của TPP bao gồm: Úc, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Việt Nam, Mỹ và Nhật Bản.

TPP bắt đầu từ một thỏa thuận giữa Singapore, Chile, New Zealand và Brunei vào năm 2009, trước khi Hoa Kỳ quyết định tham gia và dẫn đầu. Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên.

Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này như: Sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động… Các quốc gia thành viên hiện tại của TPP chiếm 40% GDP của cả thế giới và 26% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu.

Hơn thế nữa, TPP sẽ đặt ra được các luật lệ quốc tế mà vượt qua phạm vi WTO như: Chính sách đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát các công ty nhà nước, chất lượng sản phẩm và lao động…

 

.
.
.