Để tiếng ồn không còn là nỗi ám ảnh của người dân
Nỗi bức xúc của người dân từ tiếng ồn đinh tai, nhức óc do các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa (trong đó có karaoke nhạc sống di động) gây ra, phá vỡ môi trường sống yên bình của nhân dân ở nông thôn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, học hành của người dân thì đã rõ nhưng xử lý vấn đề này đến nay vẫn còn lúng túng, còn nhập nhằng trách nhiệm của các sở, ngành liên quan, còn dừng lại ở bước tuyên truyền vận động chứ chưa áp dụng chế tài xử phạt nên tình trạng vi phạm vẫn chưa giảm.
Vừa qua, UBND tỉnh tổ chức triển khai quyết định ban hành quy chế phối hợp trong việc quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa gây tiếng ồn, gây mất trật tự trên địa bàn tỉnh. Quy chế này quy định trách nhiệm của các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và các tổ chức cá nhân liên quan đến nhiệm vụ này.
Theo đó, các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã chủ trì hoặc phối hợp các đơn vị có liên quan thực hiện chức năng quản lý hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa gây tiếng ồn, gây mất trật tự theo quy định của pháp luật hiện hành.
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) là cơ quan đầu mối phối hợp với UBND cấp huyện và các sở, ngành tỉnh liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và thực hiện công tác này.
Quy chế xác định rõ trách nhiệm của Sở VHTT&DL, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên môi trường, UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Như vậy bài toán trách nhiệm của các sở, ngành đã được xác định rõ không còn đùn đẩy như trước kia.
Thành lập đoàn liên ngành cấp tỉnh, tổ liên ngành cấp huyện, cấp xã để thực hiện công tác tuyên truyền vận động và xử phạt vi phạm theo quy định pháp luật.
Hiện các cấp, các ngành đang gặp khó khăn lúng túng trong việc xác định căn cứ pháp lý để xử phạt, phương tiện đo tiếng ốn đúng quy chuẩn, được cấp phép. Tuy nhiên không vì các khó khăn trên mà lùi bước mà phải kiên quyết xử lý tiếng ồn theo chỉ đạo quyết liệt của Thường trực UBND tỉnh.
Thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Đức chỉ đạo tiến hành đồng loạt ở cấp huyện, cấp xã trong tỉnh để lập lại trật tự, xóa bỏ tiếng ồn gây hại, gặp khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ngay ở đó. Từ thực tiễn sẽ xuất hiện cách làm hay trong công tác tuyên truyền vận động, trong xác định phương tiện đo tiếng ồn.
Người gây ra tiếng ồn cũng sẽ dần nhận ra mình làm như vậy là sai, là phi văn hóa, vi phạm pháp luật, là gây hại cho người xung quanh mà “vặn” âm thanh vừa đủ nghe. Cư dân ở xã, ấp văn hóa, gia đình văn hóa, cán bộ, công chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên cần gương mẫu không gây tiếng ồn ảnh hưởng đến người khác.
Quyết tâm của Phó Chủ tịch UBND tỉnh còn thể hiện ở chỉ đạo sắp tới UBND tỉnh sẽ ban hành quyết định phương tiện đo tiếng ồn nào được phép sử dụng trên địa bàn tỉnh, đồng thời kiến nghị Trung ương sớm có quy định cụ thể về vấn đề này.
Chủ trương, nhân lực, vật lực, quyết tâm đã có, vấn đề còn lại là hành động quyết liệt, hiệu quả, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác phối hợp,… để khắc phục căn cơ tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa gây tiếng ồn, gây mất trật tự trên địa bàn tỉnh đem lại sự bình yên cho nhân dân.
M.T