Kiềm giảm tai nạn giao thông hơn cả phòng, chống hạn, mặn
Tại hội nghị sơ kết quý I về đảm bảo an toàn giao thông, Chủ tịch UBND tỉnh có nói một câu đại để là nhiệm vụ kiềm giảm tai nạn giao thông hơn cả phòng, chống hạn, mặn khiến mọi người thắm thía để cùng nhau quyết liệt hơn nữa cho công tác này.
Chủ tịch UBND tỉnh nói như vậy không có nghĩa là xem nhẹ công tác phòng, chống hạn, mặn đã cơ bản thành công ở các huyện phía Đông của tỉnh. Nhiệm vụ này được xác định là cấp bách, ưu tiên, được tập trung chỉ đạo quyết liệt, cụ thể của các cấp, các ngành, địa phương, cả hệ thống chính trị vào cuộc và kết quả là trên 25 ngàn ha lúa đông xuân được cứu, chỉ có khoảng 10% diện tích bị thiệt hại, mức thiệt hại thấp so với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị hạn, mặn.
Trở lại vấn đề, con số 67 người chết trong quý I-2016, tăng 24 người so với cùng kỳ năm 2015, chưa kể số người bị thương là điều rất đau lòng. Trong số đó có 11 người chết do trèo qua dải phân cách.
Bây giờ nói ý thức người dân còn thấp; xe mô tô tăng cao; hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh; số lượng công nhân tăng vọt, phần đông đi làm bằng xe mô tô;… thì cũng đúng nhưng nếu cứ loay hoay ở các nguyên nhân này thì sẽ không tìm được biện pháp khắc phục hiệu quả, thậm chí đâm ra duy tâm, hên - xui.
Muốn kiềm giảm tai nạn giao thông, theo ông Chủ tịch UBND tỉnh phải quyết liệt, cụ thể, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phải tìm ra đúng nguyên nhân cụ thể của các vụ tai nạn giao thông, nhất là nguyên nhân trong chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn giao thông của các cấp, các ngành, địa phương.
Làm sao để cuối năm địa phương nào giảm được số người chết do tai nạn giao thông là do kết quả thực sự từ nỗ lực chủ quan của địa phương đó, chứ không phải là chuyện hên - xui, may rủi.
Đức Phật dạy: “Cứu một mạng người hơn xây bảy tháp phù đồ”, còn chúng ta luôn xem tính mạng con người là quan trọng nhất.
M.T