Chờ đợi và kỳ vọng
Thời gian từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, hai cặp từ trên được giới truyền thông rất thường dùng. Nhất là “kỳ vọng”, trên báo giấy đã nhiều nhưng chiếm tần suất cao nhất là trên các báo điện tử.
Sau Đại hội XII, đó là những kỳ vọng vào đội ngũ cán bộ trẻ ở các cấp đảng bộ, đặc biệt là các Ủy viên Bộ Chính trị mới, trong đó có không ít người để lại nhiều dấu ấn ở cương vị cũ, nay được phân công đứng đầu những thành phố lớn.
Bước đầu nhập cuộc, qua những câu chỉ đạo, những việc làm thiết thực, cho thấy các đồng chí rất khiêm tốn, cầu thị trươc công lao của những người tiền nhiệm, đồng thời cũng tỏ rõ quyết tâm cùng với đảng bộ và nhân dân tiếp tục khắc phục các yếu kém, khuyết điểm, tạo nên những bứt phá mới.
Kế đó là sau khi các chức danh chủ chốt của Nhà nước được Quốc hội bầu, thực hiện theo Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ lần lượt tuyên thệ nhậm chức ngay sau khi trúng cử, đã trở thành điểm nhấn thổi luồng sinh khí mới vào sinh hoạt thời sự chính trị của đất nước.
Việc thực hiện nghi thức thiêng liêng này sau nhiều thập kỷ “lãng quên” đã gây sự chú ý đặc biệt trong đồng bào cử tri. Rất nhiều ý kiến bày tỏ sự tin tưởng ở hiệu quả tích cực của thủ tục này, xin trích giới thiệu sau đây một ý kiến: “Trong đời sống, trong văn hóa, lịch sử của dân tộc ta, lời thề có ý nghĩa rất sâu sắc, mang giá trị tinh thần to lớn. Lời hứa câu thề là sức nặng ngàn cân nên luôn được xem trọng.
Lời thề càng trở nên thiêng liêng và có sức nặng hơn khi được Hiến pháp quy định, bởi nó mang cả giá trị tinh thần và giá trị pháp lý. Vì lẽ đó, tôi tin tưởng và kỳ vọng sau các lễ tuyên thệ vừa qua, những người lãnh đạo cao nhất của đất nước sẽ luôn nhớ đến những gì mình tuyên thệ…”(GS.TS Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam).
Tiếp theo, việc Quốc hội bầu 3 Phó Thủ tướng và 18 Bộ trưởng mới với nhiều gương mặt mới, trẻ, lại dồn dập được các báo đặt “tít”, mở chuyên mục, lên diễn dàn: “Chính phủ mới phải là Chính phủ quyết tâm, Chính phủ hành động”, “Kỳ vọng gì ở các tư lệnh ngành?”,“Dân mong bộ máy mới nói được, làm được”, “Không công khai tài sản thì đừng làm quan chức nữa”…
Đặc biệt, trên Tạp chí điện tử VietTimes ngày 10-2-2016 đã đăng trả lời phỏng vấn của GS-TSKH Hồ Ngọc Đại có tựa đề: “Bộ máy mà Đại hội XII đã lựa chọn ra là những con người hành động” (Xin rút ngắn câu hỏi, câu trả lời). Về tương lai của đất nước khi bước vào năm 2016: “Tôi cho rằng đất nước ta đang bước vào một giai đoạn ổn định để phát triển có kiểm soát, đúng quy luật tự nhiên… Tôi tin rằng lớp lãnh đạo mới sẽ nghĩ khác và làm khác hơn giai đoạn vừa qua”.
Về chống tham nhũng, lợi ích nhóm sự tha hóa của cán bộ, đảng viên: “Tham ô, bòn rút của công, cửa quyền, tha hóa, biến chất, cấu kết với nhau thành nhóm, “băng đảng” để tham nhũng là giai đoạn mà nhiều quốc gia phát triển cũng phải trải qua, không thể khác được. Cách đây 30 năm tôi đã nói với một số người bạn rằng nước ta rồi sẽ bước vào giai đoạn tham nhũng. Không ai tin, còn bảo tôi là bi quan.”
Bất kỳ quốc gia nào cũng đều phải trải qua 3 giai đoạn: Giành độc lập và bảo vệ nền độc lập, xây dựng và phát triển. Giai đoạn đầu - những lớp người đầu tiên đi làm cách mạng chỉ với một mục tiêu duy nhất là giành độc lập, tự do cho dân tộc. Họ sống vì lý tưởng, trong sáng.
Sang đến giai đoạn xây dựng: mọi thứ đều bắt đầu. Có của ăn của để họ bắt đầu nghĩ đến hưởng thụ, mang chút hào quang của quá khứ để cửa quyền. Nền kinh tế giai đoạn này mang tính tiểu nông là chụp giật. Chụp giật, cửa quyền là mầm mống của tham nhũng, thoái hóa, biến chất.
Giai đoạn tiếp theo sẽ đi vào ổn định và phát triển, bởi vì mọi thứ tốt, xấu đã được phơi bày ra hết. Người dân đã hết kiên nhẫn, “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên có chức, có quyền” không thể hoành hành như trước được nữa.
Tuy nhiên, điều quan trọng là Bộ máy mà Đại hội Đảng XII đã lựa chọn ra được là những con người hành động. Anh Đinh La Thăng là con người hành động. Anh Vương Đình Huệ là con người hành động. Anh Nguyễn Văn Bình, anh Phạm Bình Minh là những con người hành động. Còn nhiều anh khác nữa đều là những con người hành động. Họ sẽ nghĩ khác và làm mạnh mẽ hơn. Đó là quy luật hoàn toàn biện chứng.
Nhưng quy luật biện chứng cũng cho thấy quyền lực không được kiểm soát sẽ lại đẻ ra tham nhũng: “Như đã nói ở trên, thời gian tới nước ta sẽ bước vào thời kỳ phát triển ổn định. Việc chúng ta tham gia ngày càng sâu rộng vào các hiệp ước quốc tế, đặc biệt là WTO và gần đây nhất là TPP sẽ buộc chúng ta phải điều chỉnh những bất cập về luật pháp, về tổ chức bộ máy, mọi thứ sẽ trở nên minh bạch hơn.
Tham gia TPP, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể làm ăn kiểu chụp giật được nữa. Luật quy định người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm sẽ loại bỏ các loại “giấy phép con”, mảnh đất đẻ ra rất nhiều tiêu cực, tham nhũng. Tham gia vào các hiệp ước quốc tế cũng buộc đội ngũ lãnh đạo phải trau dồi, nâng cao kiến thức, thay đổi cách làm việc, cách thức quản lý để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế.
Cải cách thể chế là để người dân tham gia sâu hơn vào quá trình bầu cử. Theo GS thì Đảng có cần thiết chuyển từ chế độ Đảng cử sang chế độ Đảng lãnh đạo tranh cử như một số ý kiến đã đề xuất không?: “Điều đó rồi sẽ diễn ra. Tuy nhiên cũng cần phải có thời gian để chuẩn bị, để cả những người lãnh đạo lẫn người dân quen dần và có trách nhiệm với quyền tự do bầu cử của mình”.
Chờ đợi và kỳ vọng: Niềm tin có căn cứ khoa học; thực tiễn đang tiếp tục chứng minh.
TRẦN QUÂN