Thứ Hai, 23/05/2016, 14:54 (GMT+7)
.

Kỳ vọng của cử tri đối với người trúng cử

Theo luật định, danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) được công bố chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) ở cấp mình chậm nhất là 10 ngày sau ngày bầu cử. Danh sách những người trúng cử ĐBQH và đại biểu HĐND khi được công bố sẽ là thành quả to lớn mà cuộc bầu cử ngày 22-5 đem lại, thể hiện ý chí, nguyện vọng, niềm tin của cử tri và quyết tâm đem hết sức mình phục vụ nhân dân của các đại biểu dân cử.

Tiêu chuẩn ĐBQH và đại biểu HĐND được quy định rõ trong Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ngoài ra, ĐBQH và đại biểu HĐND còn là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước và địa phương; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Quốc hội và của HĐND, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. ĐBQH, đại biểu HĐND có trách nhiệm vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của Quốc hội, HĐND, động viên nhân dân tham gia quản lý Nhà nước. Như vậy, từ đây mới lương duyên tốt đẹp giữa đại biểu và cử tri gắn kết như hình với bóng trong suốt cả nhiệm kỳ.

Thực tế qua nhiều kỳ bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, đại đa số các ứng cử viên sau khi trúng cử đã thực hiện nghiêm túc lời hứa của mình khi vận động bầu cử, nhưng cũng có đại biểu đã quên đi lời hứa của mình khi ứng cử; có đại biểu lời nói không đi đôi với việc làm, mà biểu hiện cụ thể là không thực hiện những gì mình đã hứa khi ứng cử; có đại biểu không làm tròn nhiệm vụ đại biểu của mình như không gần dân, sát dân, không dự đầy đủ các buổi tiếp xúc cử tri, ít phát biểu tại các cuộc họp,... Nhiều lý do tại, bị được đưa ra như tại cơ chế chính sách, tại bận nhiều việc, tại lời hứa khi tranh cử quá "hớp", bị lực bất tòng tâm,...

Chính vì những lý do trên, đông đảo cử tri mong muốn, lời hứa của ứng cử viên khi vận động bầu cử phải gắn với trách nhiệm nặng nề của mình khi là đại biểu. Muốn vậy, cần phải có cơ chế giám sát việc thực hiện lời hứa. Định kỳ 6 tháng hoặc hằng năm, các ĐBQH, đại biểu HĐND phải nhắc lại lời hứa của mình trước cử tri, xem đã làm được những gì, còn những gì chưa làm được, vì sao lại chưa làm được? Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cũng cần có chương trình cụ thể để giám sát thực hiện lời hứa của các ĐBQH, đại biểu HĐND.

Còn đối với ĐBQH và đại biểu HĐND thì phải luôn luôn nỗ lực phấn đấu để xứng đáng là người đại biểu của nhân dân, phải khẳng định quyết tâm thực hiện cho bằng được lời hứa của mình, luôn gần dân, sát dân, nắm bắt và đề đạt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân lên các cơ quan Nhà nước, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đại biểu, tận tâm tận tụy phục vụ nhân dân, là người đại biểu trách nhiệm để xứng với lá phiếu trách nhiệm của cử tri bầu cho mình.

M.T

 

 

 

 

   

 

.
.
.