Ngày 22-5-2016: Ngày hội của toàn dân!
Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là sự kiện chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân ta. Cuộc bầu cử lần này là dịp để củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trong ngày bầu cử, cử tri trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, thay mặt mình thực hiện quyền lực Nhà nước.
Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền tham gia bầu cử.
Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định: Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào thùng phiếu.
Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu, Tổ bầu cử sẽ mang thùng phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri.
Ngày 22-5-2016, cử tri cả nước nô nức đi bỏ phiếu, hoàn tất thực hiện quyền bầu cử của mình, bởi quyền bầu cử của cử tri bao gồm cả việc đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu. Đây thực sự là ngày hội của toàn dân bởi ý nghĩa quan trọng, thiêng liêng của nó.
Việc bỏ phiếu được quy định thống nhất trong cả nước, bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu sớm hơn nhưng không được trước 5 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 10 giờ đêm.
Tại khu vực bỏ phiếu, cử tri xuất trình thẻ cử tri và được Tổ bầu cử phát phiếu bầu cử theo mẫu quy định, có đóng dấu của Tổ bầu cử. Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu ĐBQH và bỏ một phiếu bầu đại biểu HĐND tương ứng với mỗi cấp HĐND. Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, nếu viết hỏng cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác. Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.
Bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân. Vì thế, trong ngày bầu cử 22-5-2016 trọng đại này, cử tri hãy trực tiếp đi bầu cử, bầu đúng, bầu đủ, sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu về đức, tài xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
M.T