Thứ Tư, 01/06/2016, 12:31 (GMT+7)
.

Làm tốt hơn nữa công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thời gian qua, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có bước chuyển biến rõ rệt, từng bước đi vào nền nếp. Chất lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo được nâng lên, do đó đã hạn chế được một phần đơn thư vượt cấp và hạn chế phát sinh những vụ việc phức tạp hoặc điểm nóng. Đích thân Chủ tịch UBND tỉnh định kỳ thực hiện lịch tiếp công dân và trực tiếp đối thoại với công dân để giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài.

Tuy nhiên, công tác này cũng còn bất cập, thiếu tính nhất quán; có lúc diễn biến phức tạp, chưa được xử lý kịp thời, nhất là liên quan đến chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương, đơn vị chưa làm triệt để đã làm nảy sinh khiếu nại, tố cáo kéo dài; một số vụ việc đã có quyết định giải quyết của các cấp có thẩm quyền nhưng thiếu kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện nghiêm túc, gây bức xúc trong nhân dân;

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động quần chúng hiệu quả chưa cao, nhiều vụ việc khiếu nại đã được cơ quan giải quyết đúng pháp luật, thấu tình đạt lý từ cấp huyện, nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu kiện kéo dài đến cấp tỉnh…

Để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và chủ động trong hoạt động tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết dứt điểm từng vụ việc, không để phát sinh thành “điểm nóng”, không để các vụ việc phức tạp, kéo dài, gây mất trật tự…, cần:

Tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. 

Nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là vai trò quan trọng của Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, thủ trưởng cơ quan đơn vị.

Cán bộ tiếp công dân phải nâng cao năng lực, kỹ năng trong công tác tiếp công dân, kiên trì, điềm đạm nhưng nghiêm túc trong công việc; có thái độ đứng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Công dân đến cơ quan công quyền khiếu nai, tố cáo cũng cần có thái độ, hành vi đúng mực, tránh bị kẻ xấu lợi dụng mà có những hành vi, lời nói quá khích, gây mất trật tự, làm sự việc thêm phức tạp, thậm chí vi phạm pháp luật…

Các cơ quan chức năng: Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, UBND các huyện, thành, thị phối hợp chặt chẽ trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung chỉ đạo, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các trường hợp khiếu nại, tố cáo liên quan lĩnh vực đất đai, ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên trái phép.

Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thông tin tuyên truyền giáo dục pháp luật, vận động quần chúng về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thông tin tuyên truyền đậm nét về kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc cung cấp thông tin, tuyên truyền, bảo đảm đúng bản chất, nội dung khiếu kiện của người dân, khắc phục tình trạng đưa tin một chiều, phản ánh không đúng bản chất sự việc.

M.T

 

 

.
.
.