Nói không với sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
Xưa có câu chuyện cái cân thủy ngân, kể nhà nọ chế ra cái cân thủy ngân gian dối mà trở nên giàu có, nhưng đã phải trả giá đắt bằng cái chết tức tưởi của hai đứa con. Qua câu chuyện trên, người xưa cảnh báo những hành vi mua gian bán lận đã bị lên án trừng phạt nghiêm khắc, huống chi là những hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện nay, vì nó liên quan đến sức khỏe con người.
Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện nay đã ở mức báo động. Nếu trước kia chỉ xuất hiện trong các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì đến nay có ở nhiều trang trại, cơ sở buôn bán, sản xuất thức ăn chăn nuôi. Điều này không chỉ tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng mà còn làm phương hại đến sản xuất chăn nuôi trong nước.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng chất cấm tràn lan là do khi giá thịt gia súc, gia cầm tăng cao, khiến người nuôi hám lợi, làm liều. Thương lái muốn ép người chăn nuôi sử dụng chất cấm Salbutamol để bán được giá hơn.
Việc quản lý, nhập khẩu chất cấm còn nhiều “lỗ hổng”, khiến thương lái dễ dàng mua và bán chất cấm cho người chăn nuôi. Ngoài ra, việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý chất cấm trong chăn nuôi hiện nay chưa chặt chẽ. Xử lý hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi còn dừng lại ở xử phạt hành chính.
Muốn giải quyết tận gốc tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cần đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, hộ chăn nuôi, hộ kinh doanh thuốc thú y và người tiêu dùng về những nguy hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng, đối với ngành chăn nuôi trong nước; tuyên truyền để người dân chủ động phát hiện, tố cáo các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Vận động thương lái, hộ kinh doanh thuốc thú y và người chăn nuôi cam kết “nói không với sử dụng chất cấm trong chăn nuôi". Bên cạnh đó, cần thông tin kịp thời cho dư luận biết về tình hình và danh tính các đối tượng vi phạm; hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là hành vi vô đạo đức.
Tiến hành thanh tra, kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chủ yếu là chất Sulbutamol tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Xử lý nghiêm các vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi theo các quy định của pháp luật. Cùng với đó, là sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc tăng cường kiểm tra, quản lý nguồn nhập khẩu chất cấm, xử lý tận gốc việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Ngày 1-7-2016, Bộ Luật hình sự 2015, sẽ có hiệu lực. Tại Điều 317, có chế tài xử phạt người vi phạm các quy định về việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm, sẽ bị phạt tù từ 1-5 năm. Đặc biệt, đối với một số tình tiết nghiêm trọng, có tình tiết tăng nặng, mức phạt tù có thể lên tới 20 năm tù giam.
Nếu mọi người ai cũng "nói không với sử dụng chất cấm trong chăn nuôi", nếu hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị lên án và xử lý nghiêm khắc theo pháp luật thì sức khỏe cộng đồng và lợt ích của ngành chăn nuôi sẽ được đảm bảo. Mở rộng ra, mọi người cần “nói không với sử dụng chất cấm trong sản xuất và tiêu dùng" để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho mình và cộng đồng.
M.T