Bài báo "121 ngày, 130 cuộc họp" là phiến diện, không chính xác
Báo Pháp luật Việt Nam (phapluat.vn) ngày 13-7-2016 viết bài báo “UBND tỉnh Tiền Giang 121 ngày, 130 cuộc họp”, với nội dung trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã tổ chức 130 cuộc họp trong 121 ngày làm việc nhưng thứ hạng PCI tụt từ 12/63 xuống 51/63, lấy đất “vàng” nhà thiếu nhi xây khách sạn, lỗ 500 triệu/tháng, mất trật tự an toàn, dân hạn chế ra đường, lắp camera an ninh…, để đi đến nhận định hiệu quả quản lý Nhà nước tỉnh này bết bát trong nhiều lĩnh vực; các mặt quan trọng kinh tế - xã hội của tỉnh đều có vấn đề báo động; các nhà quản lý, lãnh đạo đã làm gì trong 130 cuộc họp để dân khổ như thế?
Không đồng tình với nội dung bài báo, một số tờ báo của tỉnh và trong nước có bài viết cho rằng bài báo trên đã có những nhận định, đánh giá theo lối võ đoán, phiến diện, chủ quan, thiếu chính xác, lấy hiện tượng đánh giá bản chất làm sai lệch bản chất vụ việc.
Về phát triển kinh tế - xã hội và lãnh đạo điều hành của UBND tỉnh, Báo Ấp Bắc (baoapbac.vn) có bài viết: Đôi điều cần nói rõ sau cuộc họp báo UBND tỉnh. Bài báo khẳng định tình hình kinh tế của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực, tình hình các lĩnh vực văn hóa - xã hội trong tỉnh có chuyển biến tích cực, công tác an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Công tác phòng, chống hạn, mặn thành công đã hạn chế đến mức thấp nhất tổn thất về kinh tế và sinh hoạt của nhân dân; Dự án Cấp nước cho huyện Tân Phú Đông đã được đưa vào vận hành khai thác cung cấp nước ngọt sinh hoạt cho người dân; Hội nghị Phát triển doanh nghiệp Tiền Giang năm 2016 được tổ chức thành công …
Báo Lao động thủ đô (laodongthudo.vn) có bài: Tiền Giang: Nỗ lực "hóa giải" môi trường đầu tư viết: Với 12 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và 5 dự án điều chỉnh tăng vốn trong 6 tháng đầu năm 2016, Tiền Giang đang dần "hoá giải" những thách thức trong môi trường đầu tư, với nỗ lực không ngừng của chính quyền tỉnh cùng với nhân dân địa phương, sau 6 tháng nỗ lực triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quyết liệt trong công tác điều hành, đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 26.339 tỉ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 7,14% so với cùng kỳ (cao thứ 2/13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long).
Báo Diễn đàn doanh nghiệp (dddn.com.vn) có bài: Tiền Giang: Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh khẳng định những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2016 của tỉnh Tiền Giang bước đầu đã khẳng định hướng đi đúng và nỗ lực của tỉnh trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Báo dẫn lời ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, để có được kết quả đó, trước hết là nhờ sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh ủy và đặc biệt là sự đồng tâm, hiệp lực trong công tác điều hành của UBND tỉnh từ công tác xây dựng, triển khai kế hoạch; phân công rõ ràng, quy trách nhiệm cụ thể cùng với việc sâu sát cơ sở để kiểm tra chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện. UBND tỉnh phải xét đủ tính cần thiết mới tiến hành hội họp cho đến những kết luận của từng cuộc họp, hội nghị rất cụ thể. Về vấn đề này, Báo Quân đội nhân dân (qđnd.vn), Báo Xây dựng (xaydung.com.vn) và một số báo khác cũng đã khẳng định Tiền Giang đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Về lấy đất “vàng” nhà thiếu nhi xây khách sạn, lỗ 500 triệu/tháng, Báo Ấp Bắc có bài viết Khách sạn Mê Kông: Thua lỗ là có dự tính và nằm trong tầm kiểm soát. Bài báo khẳng định thực tế khi thực hiện các dự án xây dựng khách sạn ở Việt Nam đều gặp khó khăn trong những năm đầu, thậm chí lỗ nặng và dự án Khách sạn Mê Kông - Mỹ Tho cũng không ngoại lệ. Việc thua lỗ nêu trên là có dự tính và nằm trong tầm kiểm soát của chủ đầu tư và Ban điều hành Công ty cổ phần Du lịch Mê Kông - Mỹ Tho.
Khi dự án hoàn chỉnh, hoạt động ổn định, có lãi thì sẽ bù đắp khoản lỗ thời gian đầu. Việc tiến hành thoái vốn (nhượng lại phần vốn đóng góp) của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang là theo quy định của pháp luật trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, chứ không phải do khai thác chưa hiệu quả mà phải sang bán lại khách sạn.
Về việc này, Báo tintuc.vn của TTXVN có đưa tin Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng đã cho biết Khách sạn Mê Kông - Mỹ Tho nằm trên địa bàn phường 4 (TP. Mỹ Tho), có vốn đầu tư khoảng 370 tỷ đồng. Khách sạn được xây dựng và đưa vào khai thác cuối năm 2015, tọa lạc trên khu đất kề bên Thư viện tỉnh Tiền Giang; trong khi đó, Nhà thiếu nhi lại nằm trên đường Hùng Vương (một trục đường chính của thành phố Mỹ Tho hiện nay) và đang hoạt động, thường xuyên phục vụ nhu cầu của các em thiếu nhi trong tỉnh. Như vậy thông tin trên phản ánh không đúng sự thật. Báo Ấp Bắc cũng có bài viết khẳng định chi tiết lấy đất “vàng” nhà thiếu nhi xây khách sạn là hoàn toàn không chính xác.
Về tình hình an ninh, trật tự, Báo tintuc.vn của TTXVN có bài: Bác tin dân "sợ" ra khỏi nhà sau 22 giờ do trị an kém. Trong bài báo, Đại tá Nguyễn Văn Tảo, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang khẳng định: Thông tin phản ánh trên một số trang mạng trong thời gian gần đây rằng người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hạn chế ra đường sau 22 giờ hàng ngày và đầu tư lắp đặt camera an ninh tại nhà do an ninh, trật tự không ổn định là chưa chính xác.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Tảo, tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh chỉ diễn biến phức tạp ở một số địa bàn nhất định và đang có xu hướng giảm. Người dân lắp đặt hệ thống camera an ninh là xuất phát từ nhu cầu của mỗi gia đình, cơ quan, doanh nghiệp đảm bảo an ninh, thuận lợi trong việc trông nom, nhắc nhở con cái trong gia đình; quan sát, quản lý nhân viên...
Hiện nay, việc lắp đặt camera rất dễ, có nhiều mẫu mã với giá cả rất cạnh tranh và ngày càng phổ biến. Còn việc người dân hạn chế ra đường sau 22 giờ hàng ngày là phong tục tập quán của đại bộ phận người dân sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tại nhiều thị trấn, thị tứ của tỉnh chỉ sau 21 giờ là các nhà hàng, tiệm tạp hóa, cửa hàng… đều đóng cửa. Còn những người dân có nhu cầu vui chơi giải trí ở nơi công cộng sau 22 giờ vẫn được đảm bảo bình thường. Vì vậy, việc người dân hạn chế ra đường sau 22 giờ hàng ngày không phải do tình hình trật tự không bảo đảm, không an toàn.
M.T
.