Một bài báo phản ánh sai lệch bản chất vụ việc
Trong chuyên mục "Câu chuyện hôm nay" cách đây hơn 1 tháng, người viết đã đề cập đến việc đưa tin, viết bài theo lối tự nhiên chủ nghĩa, “có sao nói vậy” và “cảnh báo” của một số tờ báo dẫn đến tác hại khôn lường; nay xin được đề cập đến cách đưa tin, viết bài theo lối nhận định, đánh giá theo lối võ đoán, phiến diện, chủ quan, thiếu chính xác, lấy hiện tượng đánh giá bản chất làm sai lệch bản chất vụ việc. Các bài báo này như "gáo nước lạnh" dội vào nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang trong năm đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Điển hình theo lối viết này là bài báo “UBND tỉnh Tiền Giang 121 ngày, 130 cuộc họp” của Báo Pháp luật Việt Nam (phapluat.vn), với nội dung: Trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã tổ chức 130 cuộc họp trong 121 ngày làm việc nhưng kết quả là "hiệu quả quản lý Nhà nước tỉnh này bết bát trong nhiều lĩnh vực; các mặt quan trọng kinh tế - xã hội của tỉnh đều có vấn đề báo động; các nhà quản lý, lãnh đạo đã làm gì trong 130 cuộc họp để dân khổ như thế?".
Về “121 ngày, 130 cuộc họp”, thông tin này tuy là từ phát ngôn của người có trách nhiệm trong cuộc họp báo UBND tỉnh nhưng tác giả bài báo cố tình làm sai lệch bản chất vụ việc khi đã cố tình không thấy tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm tiếp tục có những chuyển biến tích cực, công tác an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, môi trường đầu tư được cải thiện.
Điển hình là GRDP của tỉnh tăng 7,14%, tuy thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 (tăng 7,6%) nhưng so với 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long thì tốc độ tăng trưởng kinh tế như trên đứng thứ nhì, chỉ sau tỉnh Long An (tăng 7,6%)…
Bài báo cố tình không thấy lãnh đạo UBND tỉnh đã thường xuyên xuống cơ sở chỉ đạo trực tiếp mà kết quả thấy rõ nhất là công tác phòng chống hạn, mặn của tỉnh thành công, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, được Trung ương đánh giá cao…
Về “thứ hạng PCI tụt từ 12/63 xuống 51/63”, chỉ số này là kết quả đánh giá trong năm 2015, có nghĩa là trong 6 tháng đầu năm 2016, chỉ số này chưa được đánh giá. Tác giả lấy chỉ số này để đánh giá "hiệu quả quản lý Nhà nước tỉnh này, thể hiện sự bết bát trong nhiều lĩnh vực" trong 6 tháng đầu năm 2016 là hoàn toàn khập khiễng, võ đoán, phiến diện. Trong khi lại cố tình không thấy, UBND tỉnh đã và đang nỗ lực cải thiện Chỉ số PCI, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Về “chênh lệch phân hóa giàu nghèo quá lớn”, tác giả lấy "thu nhập của cán bộ, nhân viên Công ty Xổ số kiến thiết Tiền Giang quá lớn" (được pháp luật cho phép) để đi đến kết luận "chênh lệch phân hóa giàu nghèo quá lớn" ở tỉnh, mới nghe tưởng chừng có lý nhưng mà đó là cách viết bài, đưa tin theo lối khập khiễng, phiến diện, suy diễn chủ quan, lấy hiện tượng xuyên tạc bản chất.
Nếu vậy, thì ở cả nước này ở đâu cũng có "chênh lệch phân hóa giàu nghèo quá lớn". Cũng "tư duy" này, tác giả có thể lấy thu nhập vài trăm triệu đồng/tháng của một chủ doanh nghiệp tư nhân để so sánh với thu nhập khoảng vài trăm ngàn đồng/tháng của một người dân rồi hốt hoảng la lên xã hội này "chênh lệch phân hóa giàu nghèo quá lớn".
Về “Lấy đất “vàng” nhà thiếu nhi xây khách sạn” là “sự chệch hướng, thiệt thòi cho người dân đô thị” là hoàn toàn không chính xác. Từ chi tiết này tác giả cũng cố ý nói đến "hiệu quả quản lý Nhà nước tỉnh này bết bát trong nhiều lĩnh vực", "chính quyền làm "dân khổ".
Từ phân tích trên, các vấn đề khác mà bài báo đề cập như “Đường không có người đi vì thiếu kết nối”; “Hai tháng đường ống nước, vỡ hai lần”; “mất trật tự an toàn, dân hạn chế ra đường, lắp camera an ninh”, đều không đáng tin cậy bởi dụng ý xấu của tác giả bài báo này.
Chính vì vậy, nhiều bài báo trong tỉnh và trong nước đã không đồng tình với nội dung bài báo này và yêu cầu cơ quan báo chí đã đăng bài báo này có sự đính chính, xin lỗi. Qua sự việc này, điều rút ra là nhà báo phải cân nhắc khi đưa tin, viết bài, vừa có tài vừa phải có tâm trong sáng, đừng để ngòi bút của mình vấy độc.
M.T
.