Thứ Tư, 26/10/2016, 20:18 (GMT+7)
.

Phòng, chống tham nhũng - cuộc chiến không vùng cấm

Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XII của Đảng nêu rõ, một trong những giải pháp quan trọng nhằm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là: “Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài; là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, trước hết là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền và của toàn bộ hệ thống chính trị.”.

pham_cong_danh
Phiên tòa xét xử Phạm Công Danh vào tháng 9/2016

Điểm mới trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta đã xác định rõ tham nhũng, lãng phí không chỉ là thách thức, mà trở thành thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng…đe doạ sự tồn vong của chế độ. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trở thành nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài.

Vì thế, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trước hết  phải chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí. Đây là một nội dung thể hiện quan điểm mới của Đại hội XII về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trước hết phải có các giải pháp thực hiện phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, không để tham nhũng, lãng phí xảy ra rồi mới xử lý, giải quyết tình hình tham nhũng ngay từ gốc, triệt tiêu các điều kiện nảy sinh và phát triển của hành vi tham nhũng, lãng phí.

Cũng vì thế mà Đại hội XII đã đề ra một số giải pháp mới như: Hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu lực, hiệu quả, nhất là trong các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như: Quản lý và sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, thu, chi ngân sách và mua sắm công, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản.... Thực hiện nghiêm quy định về kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; hạn chế giao dịch bằng tiền mặt…

Quan điểm mới lần này là  xác định rõ trách nhiệm và kiên quyết xử lý kịp thời người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí chứ không trách nhiệm tập thể chung chung. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Đồng thời, Bộ Chính trị đã yêu cầu xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí.

Rõ ràng, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực còn ở phía trước và nhiều cam go, quyết liệt, không thể giải quyết một sớm một chiều.Tuy nhiên, quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta thì đã rõ. Cụ thể, những vụ tiêu cực cộm cán vừa qua như của Dương Chí Dũng, Phạm Công Danh, Trịnh Xuân Thanh... đều được Đảng ta đưa ra với tinh thần làm đến nơi, đến chốn. Và mới đây Ủy Ban Kiểm tra Trương ương đã đề nghị kỷ luật cảnh cáo nguyên Bộ Trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, là một minh chứng cuộc chiến chống tham nhũng là không có vùng cấm, không hạn chế.

Và nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi tiếp xúc với cử tri là phải “đánh trống liên hồi, làm đến cùng, chứ không đánh trống bỏ dùi”  Dĩ nhiên, quyết tâm của một mình Tổng Bí thư vẫn chưa đủ, mà cần có sự cộng hưởng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, và cả hệ thống chính trị cùng chung lòng, thì cuộc chiến phòng chống tham nhũng mới đạt hiệu quả.

Một tín hiệu vui, là vừa qua một số vụ việc, sau chỉ đạo của Tổng Bí thư, dường như cả bộ máy, hệ thống đều hưởng ứng. Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành đều vào cuộc và vận hành với một khí thế mới, tạo được lòng tin của quần chúng, nhân dân.

DUY SƠN

.
.
.