Chuyện nước mắm và cái tâm của người cầm bút
Nghề báo như bao nghề khác, rất cần “cái tâm” trong sáng, cần sự trung thực của bản thân mỗi nhà báo; trong thời kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng như hiện nay, thì “cái tâm” và sự khách quan, trung thực trong bài viết lại càng quan trọng hơn. Bởi giữa thời đại bùng nổ thông tin, hiệu ứng xã hội, sức lan tỏa của một bài báo càng dữ dội hơn; vì thế thông tin báo chí khi chuyển tải đến với công chúng cần phải chính xác, trung thực và nhân văn hơn; nhà báo phải cân nhắc nhiều hơn khi viết, để sản phẩm của mình có tác dụng tích cực, không làm hại cộng đồng, xã hội và danh dự cá nhân. Đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế, thì mức độ cẩn trọng khi thông tin cần được người viết quan tâm nhiều hơn. Người làm báo phụ trách lĩnh vực này, ngoài chuyên môn nghiệp vụ cần phải có kiến thức, am hiểu vấn đề mình muốn phản ánh và quan trọng là cần có cái tâm khi thể hiện bài viết của mình.
Như thời gian qua, những thông tin chưa chính xác về tác hại của việc bao trái xoài trên một số trang báo đã gây ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một kiểu thu thập thông tin theo cảm tính, chưa tìm hiểu kỹ vấn đề và thiếu cân nhắc khi đưa thông tin, gây hoang mang trong dư luận. Hay những thông tin về chất cấm trong chăn nuôi, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; chất cấm trong thức ăn chế biến… cần phải chính xác, cẩn trọng và có định hướng. Liều lượng vừa phải để vừa góp phần răn đe người vi phạm, bảo vệ người tiêu dùng, nhưng cũng phải định huớng, trấn an được dư luận, bảo vệ những người sản xuất chân chính.
Đặc biệt, trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay thì chuyện lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hoặc viết vì mục đích thương mại đang là vấn đề đặt ra khá nhạy cảm, bởi sẽ ảnh hưởng đến tính trung thực, khách quan của bài báo. Chuyện Vinastas công bố nước mắm nhiễm asen vừa qua là một minh chứng. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Trương Minh Tuấn đã lên tiếng là “có mùi tiêu cực” của các cơ quan truyền thông. Bộ Công an đang vào cuộc, sự thật rồi sẽ phơi bày, nhưng rõ ràng trong chuyện này, vô tình hay cố ý có sự góp sức của một số cơ quan báo chí. Vì lợi ích nhóm, hay vì chạy theo thông tin nóng mà người viết đã không cân nhắc khi đưa ra những thông tin lập lờ, đặt dấu hỏi cho người tiêu dùng, gây hoang mang trong dư luận.
Việc nhiều lãnh đạo của tờ báo lớn đã bị kỷ luật sau “sự kiện asen” đã cho thấy làm báo trong thời hội nhập, mở cửa không hề đơn giản. Đúng như nhận định của Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn trong bài viết “Nhận diện nguy cơ tự “chuyển biến” trong báo chí” là “có một số tờ báo, trang tin câu kết với một bộ phận doanh nghiệp và một số cán bộ, công chức để lũng đoạn chính sách, thực hiện chiến dịch truyền thông tạo lợi thế để một số doanh nghiệp làm ăn bất chính, gây bất lợi cho doanh nghiệp khác”.
Vì thế, lời dạy của Bác Hồ về nghề báo vẫn không hề cũ. Đó là cần phải cân nhắc mỗi khi đặt bút viết và ta viết cho ai, vì ai? Đặc biệt, hãy luôn tâm niệm một điều “lợi ích của cộng đồng, của xã hội là trên hết”.
SƠN PHẠM