Thứ Hai, 28/11/2016, 21:10 (GMT+7)
.

Đón mừng Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và mong mỏi, kỳ vọng

Cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đều vui mừng trước việc Đảng ta vừa có một Nghị quyết “trải lòng”, nói thẳng, nói thật về tình hình Đảng ta hiện nay với những biểu hiện suy thoái và diễn biến đang “là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ” (câu trong Nghị quyết).

Những ngày này, tôi đọc tới đọc lui Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, cảm nhận ngổn ngang. Vừa mừng, vừa lo. Mừng là thấy Đảng ta tiếp tục giương cao ngọn cờ đổi mới của Đại hội VI với thái độ khách quan, khoa học “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật” trong đánh giá tình hình chung, đến Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI được nêu thành “phương châm” và Nghị quyết này là “quan điểm” trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Thử hỏi, còn hạn chế, khuyết điểm, nguy cơ nào của Đảng mà Đảng ta chưa nói trong Nghị quyết này? Để cho dễ nhớ, Nghị quyết đã hệ thống các biểu hiện suy thoái, diễn biến thành 27 nhóm vấn đề, phân đều theo 3 cụm: Tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trên cơ sở này, mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng dựa vào đó tự liên hệ, tự soi rọi, đánh giá hoặc giúp đồng chí khác, đảng bộ khác nhìn lại mình, tự sửa mình… Mừng vì các nhóm nhiệm vụ, giải pháp rất chi tiết, chặt chẽ, toàn diện, ai cũng có thể hiểu được và có tính khả thi, nếu có quyết tâm chính trị. Có một điểm mới “cần làm ngay” trong Nghị quyết: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Thường vụ cấp ủy các cấp chỉ đạo rà soát ngay cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc quyền và xử lý nghiêm những trường hợp suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…”.

Mừng là, mấy ngày vừa qua theo dõi kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV, có thể nói, tinh thần của Nghị quyết thể hiện nhuần nhuyễn, sôi nổi trong các phiên làm việc của Quốc hội, đặc biệt là trong phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, trong đó có trả lời của Thủ tướng Chính phủ được dư luận đồng bào cử tri đánh giá rất cao về sự thẳng thắn, không tránh né, xoáy sâu vào những vấn đề đồng bào cử tri quan tâm, bức xúc. Tập trung nhất là bàn việc loại bỏ cán bộ hư hỏng, thoái hóa ra khỏi bộ máy; về trách nhiệm những thất thoát, thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng trong một số dự án lớn vừa qua phải có kết luận, xử lý ngay; về siết chặt cơ chế, chính sách để tiết kiệm của công... Cả vụ việc liên quan đến Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn cũng không bỏ qua. Trong hai ngày rưỡi, đã có hơn 200 đại biểu dồn dập đặt câu hỏi và lần đầu tiên đại biểu được giành quyền tranh luận, hỏi lại. Cử tri rất hài lòng, đặt niềm tin vào Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo phát triển được củng cố thêm. Các tân “tư lệnh” ngành thì đã nhanh chóng nắm bắt công việc, tỏ rõ trách nhiệm, tích cực trả lời. Dư luận còn đánh giá tân Chủ tịch Quốc hội điều hành kỳ họp khoa học, đi vào trọng tâm. Bà đã nêu lên tất cả các vấn đề nổi lên sau chất vấn và yêu cầu tất cả các bộ, ngành liên quan có biện pháp thực hiện, chấn chỉnh, Quốc hội sẽ giám sát để đáp ứng yêu cầu ở mức cao nhất của cử tri.

Nhưng trong cảm nhận của tôi cũng có những nỗi lo. Suy thoái và diễn biến cũng tương tự như tham nhũng, lãng phí, đều là “giặc nội xâm”, phòng, chống rất gay go, phức tạp. Ở Nghị quyết này, tham nhũng, lãng phí cũng được đưa vào phần “Biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống” và nhắc lại: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy Nhà nước”. “Bộ phận không nhỏ” này được nói nhiều gần đây. Đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Ban Tổ chức Trung ương nói: “Trong 27 biểu hiện suy thoái, chỉ nhìn vào dấu hiệu nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh thì hầu như đảng viên nào cũng “dính”. Cứ nói “một bộ phận không nhỏ” thì đây này, chính trong mỗi chúng ta!”(*). Suy thoái về tư tưởng chính trị thuộc về ý thức, lý tưởng, nhận thức, quan điểm lập trường, rất khó kiểm điểm, kết luận. Tôi không nhớ đã đọc ở đâu và không dám cả quyết rằng câu này đúng, nhưng thấy nó có lý: “Không thể mạng lịnh với tư tưởng. Chỉ có tư tưởng mới đánh bại được tư tưởng”. Trong Nghị quyết, nhóm nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên được nêu lên cũng là “Về công tác tư tưởng, tự phê bình và phê bình”.  Trong đó có câu: “Chủ động chuẩn bị các phương án, biện pháp cụ thể sát với tình hình, xây dựng lý luận sắc bén để đấu tranh, phản bác có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị…”.

Tất nhiên nỗi lo là những điều khó. Nhưng cũng như bao lần gặp khó khác, với điều kiện toàn Đảng, toàn Dân, toàn quân một lòng, chúng ta rồi cũng sẽ vượt qua. Vấn đề là nhanh hay chậm, tùy thuộc vào bản lĩnh và quyết tâm chính trị của Đảng ta lúc này.

TRẦN  QUÂN

(*) Ông Hà là thành viên Tổ soạn thảo Đề án xây dựng, chỉnh đốn Đảng phục vụ Hội nghị Trung ương 4 khóa XII (cũng là thành viên Tổ giúp việc Bộ Chính trị trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI). Ông Hà nói trong cuộc trao đổi đầu tuần với Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh.

.
.
.