Nhận diện - suy ngẫm và hành động
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng đầu tiên mà BCH Trung ương Đảng khóa XII ban hành. Tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: Cái mới của Nghị quyết lần này là Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong đó, nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa.
Đúng vậy. Nghị quyết lần này đã nêu lên 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Chúng ta cùng nhận diện đúng về tinh thần Nghị quyết để suy ngẫm, không phải để bi quan, dao động, mà để sẵn sàng hành động cho cuộc chiến đấu mới, quyết liệt hơn trong thời gian tới, vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng.
Nhận diện điều gì? Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã cho chúng ta một sự nhận diện khá đầy đủ, rõ nét về thực trạng suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và cũng thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng ta là: Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Nhận diện đúng để qua đó mỗi cá nhân và tổ chức trong Đảng tự soi mình, hoàn thiện vì sự vững mạnh của Đảng. Từ lâu, ít ai nghĩ rằng, lười học tập chính trị cũng là biểu hiện của sự suy thoái. Trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị được liệt kê trong Nghị quyết lần này, biểu hiện thứ ba ghi rõ: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Đây là một điểm mới rất thật mà Trung ương đã chỉ rõ.
Suy ngẫm điều gì? Đó là sự quyết liệt của Đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này, thể hiện qua 4 nhóm giải pháp: Về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Mỗi nhóm nhiệm vụ, giải pháp đều có những điểm nhấn quan trọng, đó là: Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái. Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ, vụ lợi, lợi ích nhóm. Rà soát, hoàn thiện cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, bảo đảm quyền hạn đến đâu thì trách nhiệm đến đó. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…
Điều quan trọng nhất mà chúng ta quan tâm là làm thế nào để Nghị quyết Trung ương 4 sớm đưa vào cuộc sống, thực thi hiệu quả. Muốn thế, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Từng tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để tự giác thực hiện. Ở đây, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn.
Đó là ý kiến, thể hiện quyết tâm cao của người đứng đầu Đảng ta - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 4 vừa qua.
SƠN PHẠM