Thứ Ba, 08/11/2016, 20:42 (GMT+7)
.

Văn hóa doanh nghiệp - điều tạo nên sự khác biệt

Trong xu thế hội nhập hiện nay, yếu tố bền vững được nhắc đến nhiều và đặt lên hàng đầu trong quá trình phát triển. Những quan niệm phát triển nhất thời; làm  ăn “chụp giựt” theo kiểu “ ăn xổi ờ thì” đang dần bị tẩy chay và  mai một. Trong kinh doanh cũng thế, để bảo đảm tính bền vững, thì cần có nhiều yếu tố; nhưng tính văn hóa là một yếu tố quan trọng; nhất là trong nền kinh tế thị trường, nhiều cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Và đó cũng là lý do để Chính phủ  chọn ngày 10-11 hằng năm là ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.

Ứng xử tốt với người lao động là thể hiện văn hóa của doanh nghiệp-
Ứng xử tốt với người lao động là thể hiện văn hóa của doanh nghiệp-

Tại sao nay lại đặt vấn đề văn hóa doanh nghiệp? Đây là khái niệm thoạt nghe khá mới, nhưng suy cho cùng cũng là những vấn đề cũ trong hoạt động kinh doanh. Đó chính là cách ứng xử của doanh nghiệp với cộng  đồng, là trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội; là đạo đức trong kinh doanh, sản xuất mà thời nào cũng có. Bởi một doanh nghiệp hay một tổ chức nào đó, tất cả đều tồn tại dựa trên một thiết chế văn hóa; chính các chuẩn mực về văn hóa sẽ hỗ trợ cho nhà nước quản lý doanh nghiệp bên cạnh các quy định của pháp luật.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp sẽ góp phần khẳng định thêm cho thương hiệu, tạo yếu tố bền vững cho sản xuất kinh doanh. Nhiều vấn đề thời gian qua đã gây bức xúc trong xã hội như doanh  nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường; sự cạnh tranh không lành mạnh trong sản xuất kinh doanh một số mặt hàng, về thái độ ứng xử không hay của một vài doanh  nghiệp lớn với người tiêu dùng…cho thấy vấn  đề văn hóa, hành xử của doanh nghiệp cần được chú trọng nhiều hơn.

Tại lễ phát động xây dựng văn hóa doanh nghiệp vừa tổ chức tại Hà Nội; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “  Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của thương hiệu, là yếu tố khác biệt của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia. Đó là lý do Chính phủ kiến tạo ngày nay rất quan tâm đến vấn đề văn hóa  doanh nghiệp, và văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh”.

Rõ ràng trong xu thế phát triển hiện nay, để hội nhập với kinh tế thế giới, thì việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp là điều tất yếu, mang tính thời đại; bởi một doanh nghiệp kinh doanh có văn hóa, kinh doanh lành mạnh sẽ có sự cộng hưởng từ người tiêu dùng, và chính họ sẽ là cầu nối đưa doanh nghiệp vươn xa ra khu vực và thế giới. Và nếu ứng xử  ngược lại chính họ sẽ bị đào thải, tẩy chay như nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “ …Tất cả doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, sử dụng lao động trẻ em, đối xử bất công với người lao động, trốn thuế…là những doanh nghiêp vô trách nhiệm với xã hội, sớm hay muộn cũng sẽ bị người tiêu dùng trong và ngoài nước quay lưng…”.

SƠN PHẠM

.
.
.