Bản chất của nông thôn mới: Nâng cao mức sống của nông dân
Xây dựng nông thôn mới thực chất là chương trình do nhân dân lựa chọn, đóng góp công sức thực hiện và trực tiếp hưởng lợi. Chương trình xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa rất lớn cả về kinh tế, chính trị, xã hội vì nó mang lại lợi ích thiết thân cho cư dân nông thôn, thông qua đó chương trình sẽ điều hòa lợi ích, thành quả công cuộc đổi mới cho người dân khu vực nông thôn.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 (ngày 30-9-2016), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bản chất của nông thôn mới là nâng cao mức sống của nông dân cả về vật chất và tinh thần. Do đó, các địa phương cần phải tập trung vào các vấn đề then chốt như: Người dân hưởng lợi từ đâu, việc tổ chức sản xuất thế nào, ứng dụng khoa học công nghệ ra sao, thương mại điện tử thế nào?... Phát biểu tại Lễ công bố xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước đạt chuẩn nông thôn mới (ngày 21-12-2016), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Đức nhấn mạnh: Vấn đề cốt lõi, bản chất trong xây dựng nông thôn mới không chỉ là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mà là phải tạo ra được cách sống mới của người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo ra và duy trì các mối quan hệ xã hội tốt đẹp, môi trường sống lành mạnh, đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội, hưởng thụ văn hóa… Coi trọng xây dựng các mối quan hệ xã hội, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Hiểu đúng bản chất của xây dựng nông thôn mới như trên, người dân thấy được mình là chủ thể trong quá trình xây dựng nông thôn mới, thấy việc xây dựng nông thôn mới là vì lợi ích thiết thân của mình, của gia đình, của cộng đồng mà đồng lòng, hợp sức tham gia. Các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, bởi xây dựng nông thôn mới cũng chính là để phục vụ nhân dân.
NHƯ NGỌC