Bài 1: Kỳ vọng tạo bước chuyển mới
Bài 1: Kỳ vọng tạo bước chuyển mới
Bài 2: "Giải phóng" sức sản xuất, tạo đột phá đổi mới kinh tế
Bài cuối: Đổi mới công tác cán bộ-"việc gốc" của đổi mới chính trị
LTS: Từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, nhất là dưới ánh sáng các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (HNTƯ 4) khóa XII vừa được ban hành, những vấn đề cốt lõi trong lãnh đạo đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị được nhìn nhận đầy đủ, với tư duy mới, rõ ràng, khoa học, cách mạng; mang đến kỳ vọng lớn và quyết tâm cao trong hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhằm phát huy thành tựu 30 năm đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới với tiến độ và trình độ cao hơn.
Thẳng thắn đánh giá yếu kém, nhận rõ tính cấp thiết đột phá đổi mới
Sau HNTƯ 4 (khóa XII), đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân bày tỏ sự vui mừng, tin tưởng trước những chủ trương, quyết nghị của Trung ương. Dư luận cho rằng, đây là những vấn đề cần kíp, cấp bách, quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, đối với sự phát triển của Đảng và sát thực đối với đời sống của người dân. Đáng mừng hơn là khi nhìn nhận, đánh giá, thảo luận và quyết nghị các vấn đề quan trọng, Ban Chấp hành Trung ương luôn thẳng thắn, xoáy sâu vào gốc rễ của những yếu kém trên cả hai lĩnh vực kinh tế và chính trị, từ đó xác định căn nguyên và những việc cần làm ngay, nhằm đẩy mạnh công cuộc đổi mới với yêu cầu thay đổi về chất so với trước.
Hội nghị Trung ương 4, khóa XII. Ảnh: TTXVN |
Tinh thần thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật thể hiện rõ trong không khí thảo luận của các đồng chí Ủy viên Trung ương và tái hiện sắc nét ở chất lượng các nghị quyết được ban hành. Tinh thần đó còn thể hiện ở kết cấu, gam độ của hệ thống các nghị quyết được hội nghị thảo luận, quyết nghị. Ví như, Nghị quyết số 04-NQ/TW về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” (sau đây gọi là Nghị quyết 04) với hơn 7.300 chữ, nhưng chỉ dành mấy dòng rất ngắn gọn (khoảng 100 từ) để đánh giá thành tựu đạt được từ việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Còn lại, nghị quyết tập trung đánh giá đặc điểm tình hình, chỉ rõ nguyên nhân của những yếu kém, hạn chế; chỉ rõ 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ...; đồng thời xác định mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo, tổ chức thực hiện.
Như vậy, có thể thấy, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) không rập khuôn về cấu trúc văn bản; không dài dòng liệt kê thành tích đạt được, mà thẳng thắn, tập trung nêu rõ những cái yếu, cái chưa được, cái tiêu cực... cần kíp phải lãnh đạo giải quyết kịp thời, triệt để. Đây là một minh chứng cho thấy thái độ kiên quyết của Đảng trong việc đấu tranh với tiêu cực trong nội bộ, quyết liệt chỉnh đốn Đảng, đổi mới chính trị trong tình hình mới.
Tương tự, Nghị quyết số 05-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế” (gọi tắt là Nghị quyết 05) và Nghị quyết 06-NQ/TW về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” (gọi tắt là Nghị quyết 06) đều dành 1/6 dung lượng đánh giá tình hình, chỉ ra mặt hạn chế, khuyết điểm; dành 5/6 dung lượng cho phần giải pháp lãnh đạo khắc phục yếu kém trong tình hình mới.
Nói như vậy, không phải từ trước đến nay, Đảng ta không dám, chưa dám nhìn thẳng vào vấn đề, mà là ở lần này, với cách tiếp cận trực diện, “điểm mặt” cụ thể từng mặt hạn chế kéo dài, yếu kém cốt tử… trên từng lĩnh vực lãnh đạo của Đảng, từ đó đưa ra những giải pháp đúng đắn, hiệu quả. Việc làm này của Đảng thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Cách đánh giá này góp phần củng cố niềm tin và kỳ vọng về quyết tâm lãnh đạo đổi mới toàn diện, đồng bộ cả kinh tế và chính trị trong điều kiện mới của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hơn thế, quyết tâm đổi mới và kỳ vọng về bước ngoặt trong đổi mới lần này được thể hiện rất rõ ở thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Nếu trước kia, khi nhắc về quyết tâm đổi mới đất nước (bắt đầu từ năm 1986) chúng ta nhớ về các nhà lãnh đạo như: Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh..., với những thông diệp “đổi mới hoặc là chết”, “hoặc bây giờ hoặc không bao giờ”…, còn hiện tại, thái độ, quyết tâm đổi mới lại thể hiện đầy đủ ở tính chủ động, tích cực chuẩn bị từ sớm, từ xa các nội dung, vấn đề cần kíp sẽ ưu tiên lãnh đạo thực hiện trước. Minh chứng là, HNTƯ 4 (khóa XII) đã đưa ra thảo luận, quyết nghị 3 vấn đề hết sức quan trọng, bức thiết đối với công cuộc đổi mới đất nước. Đây thực chất là 3 nội dung có tính độc lập tương đối, đồng thời cũng là 3 vấn đề có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, kết nên hệ thống quan điểm, chủ trương lãnh đạo đổi mới đồng bộ, toàn diện về kinh tế và chính trị. Như vậy, cách làm của Trung ương là cách làm chủ động - là thành quả của quá trình chuẩn bị từ sớm, từ lâu, là kết quả của quá trình phát triển và hoàn thiện tư duy lãnh đạo đổi mới của Đảng, chọn thời điểm thích hợp, chín muồi để đánh dấu bước ngoặt, tạo nên những bước chuyển quan trọng trong sự nghiệp đổi mới.
Vào thời điểm này, khi mà nhiều chuyên gia bắt đầu đưa ra quan niệm “đổi mới lần 2”, hoặc đề xuất phải xác định bước ngoặt về “giai đoạn 2 của đổi mới”…, thì trước đó, trong các văn kiện Đại hội XII, Đảng ta đã chỉ rõ yêu cầu rất cao về kết quả đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới trong giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Đến HNTƯ 4 (khóa XII), việc cùng lúc ban hành 3 nghị quyết hết sức quan trọng trong lãnh đạo đổi mới kinh tế và chính trị, cho thấy sự chín muồi về thời cơ, thời điểm tiến hành bổ sung, phát triển quan điểm lãnh đạo mới; thể hiện tính hệ thống, biện chứng trong tư duy lãnh đạo giải quyết mối quan hệ giữa các thành tố “khách quan” (kinh tế) và “chủ quan” (chính trị) trong tiến trình lãnh đạo đổi mới đất nước.
Tập trung gỡ “nút thắt” trong đổi mới kinh tế và chính trị
Thành công của HNTƯ 4 (khóa XII) được ghi nhận rõ nét ở nhiều góc độ, phương cách tiếp cận khác nhau, nhưng dư luận nhìn chung cho rằng: Việc Đảng ta xác định rõ 2 “nút thắt”, chỉ ra những “điểm vướng” từ thực tiễn trên cả hai lĩnh vực kinh tế và chính trị, để sớm có giải pháp tháo gỡ, đưa công cuộc đổi mới bước sang giai đoạn mới (khác về chất so với trước) là thành công lớn nhất của hội nghị lần này.
Trong lĩnh vực kinh tế, HNTƯ 4 (khóa XII) chỉ ra hạn chế lớn trong tăng trưởng kinh tế đất nước là “chưa dựa nhiều vào tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học-công nghệ...” và “phương thức phân bổ nguồn lực xã hội chưa có sự thay đổi rõ rệt; năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp còn thấp”. Do đó, Nghị quyết 05 xác định: "Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong giai đoạn hiện nay". Từ đó, nghị quyết xác định hàng loạt nhóm giải pháp quan trọng, hữu hiệu nhằm “giải phóng” lực lượng sản xuất xã hội; nhất là việc tạo điều kiện để năng lực sản xuất của các doanh nghiệp “bung ra”, phát huy cao nhất vai trò của doanh nghiệp, tạo động lực cho nền kinh tế đất nước phát triển theo chiều sâu.
Trên lĩnh vực chính trị, Trung ương chỉ rõ yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; trong đó, chỉ rõ yêu cầu phải đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ của Đảng, coi đó là phần việc gốc rễ, cần kíp phải làm ngay. Ban Chấp hành Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng. Trong đó, nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường XHCN, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân.
Từ thực tế đó, Nghị quyết 04 xác định mục tiêu hàng đầu là: “Kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân. Củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng”. Trung ương cũng thảo luận, quyết nghị hàng loạt nhóm giải pháp, nhằm khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ, như: Phân công, phân cấp, thẩm quyền quản lý, quy trình bổ nhiệm..., nhằm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tổng thể, liên thông giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị và chấn chỉnh, khắc phục tình trạng “kén chọn” vị trí, chức danh trong đội ngũ cán bộ, đảng viên...
Như vậy, HNTƯ 4 (khóa XII) đã thảo luận, quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong lãnh đạo đổi mới cả về chính trị và kinh tế; trong đó việc cần kíp, hệ trọng số một trong đổi mới kinh tế được Trung ương xác định là tập trung lãnh đạo nâng cao năng suất lao động xã hội, nhất là phải “giải phóng” sức sản xuất cho doanh nghiệp. Trong đổi mới chính trị thiết yếu và quan trọng hàng đầu là phải đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ của Đảng.
Có nhiều cách đánh giá khác nhau về thành công của HNTƯ 4, nhưng việc Trung ương lần này xác định, chỉ rõ hai điểm yếu cốt tử, vạch ra con đường và lộ trình để đổi mới đồng bộ cả kinh tế và chính trị, được dư luận đồng tình ủng hộ, ghi nhận như một bước chuyển về tư duy lãnh đạo của Đảng để tạo ra bước ngoặt thực sự trong công cuộc đổi mới.
Với tinh thần đó, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), trên hết và trước hết, các cấp ủy, chỉ huy cần quán triệt sâu sắc một thực tế là: Hiện nay, những yêu cầu về đổi mới quan điểm phát triển kinh tế và đổi mới kinh tế đang đòi hỏi phải có những đột phá mới. Mặc dù những tư tưởng, quan điểm đổi mới được Đại hội VI và các Đại hội tiếp theo của Đảng nêu ra có tính chất bước ngoặt và còn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, nhưng việc HNTƯ 4 (khóa XII) chỉ ra hai “điểm thắt” quan trọng trên hai lĩnh vực trụ cột của đổi mới, có tác dụng to lớn trong việc tập trung sức lãnh đạo của Đảng, phát huy trí tuệ, sức mạnh toàn dân tộc vững bước tiến vào “giai đoạn 2 của đổi mới”, hoặc bước sang cuộc “đổi mới lần 2”. Và dù cách gọi như thế nào, thì HNTƯ 4 (khóa XII) được đánh giá là một dấu mốc, bước ngoặt quan trọng nhằm tạo ra bước chuyển về chất trong quá trình lãnh đạo đổi mới đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bài 2: “Giải phóng” sức sản xuất, tạo đột phá đổi mới kinh tế
(Theo qdnd.vn)