Bài cuối: Đổi mới công tác cán bộ-"việc gốc" của đổi mới chính trị
Bài 1: Kỳ vọng tạo bước chuyển mới
Bài 2: "Giải phóng" sức sản xuất, tạo đột phá đổi mới kinh tế
Bài cuối: Đổi mới công tác cán bộ-"việc gốc" của đổi mới chính trị
Thành công của Hội nghị Trung ương 4 (HNTƯ 4) khóa XII thể hiện rõ nét ở việc Trung ương tập trung thảo luận, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng trong lãnh đạo đổi mới cả về chính trị và kinh tế. Trong đó, nếu việc tập trung lãnh đạo nâng cao năng suất lao động xã hội, nhất là phải “giải phóng” sức sản xuất cho doanh nghiệp-lực lượng kinh tế tiên phong được Trung ương xác định là gỡ “nút thắt” để tạo sự đột phá, thì đổi mới chính trị được Trung ương xác định khâu hết sức quan trọng là đổi mới công tác cán bộ.
Đổi mới công tác cán bộ được Hội nghị Trung ương 4 xác định là khâu hết sức quan trọng (ảnh mang tính minh họa) . Ảnh: Vân Anh |
Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ (sau đây gọi là NQTƯ 4 khóa XII), tuy là nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng Đảng, nhưng tư tưởng bao trùm, nội hàm cốt lõi lại tập trung đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ trong thời kỳ mới. Trong đó, mục tiêu tổng quát của NQTƯ 4 khóa XII, là: “Kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân...”. Như vậy, có thể thấy bản chất của đổi mới chính trị nói chung, đổi mới công tác xây dựng Đảng nói riêng cốt lõi là bắt đầu từ đổi mới công tác cán bộ-đổi mới, chỉnh đốn “việc gốc của Đảng”.
Đổi mới công tác xây dựng Đảng là đổi mới đồng bộ, toàn diện tất cả các yếu tố, bộ phận, lĩnh vực, thành tố trong công tác xây dựng Đảng như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng (sau đây gọi là NQTƯ 4 khóa XI) đã xác định, nhưng rõ ràng ở thời điểm hiện tại, thì đổi mới công tác cán bộ là khâu “then chốt của then chốt”, là phần việc quyết định thành bại của công tác xây dựng Đảng và sự nghiệp đổi mới chính trị, là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, hệ thống chính trị và toàn dân tộc. Xét một cách toàn diện thì quyết tâm xác định “nút thắt”, nhằm tạo bước chuyển về chất trong đổi mới chính trị của Trung ương được bắt đầu sớm hơn nhiều so với mốc thời gian Đại hội XII của Đảng và HNTƯ 4 khóa XII.
Việc xác định mục tiêu như NQTƯ 4 khóa XII là thành quả của quá trình đổi mới tư duy lý luận, là thành quả từ thực tiễn lãnh đạo của Đảng. Đó là quá trình lãnh đạo đổi mới toàn diện, nhưng trọng tâm là những “nút thắt” quan trọng để tháo gỡ, nhằm tạo đột phá đổi mới. Từ NQTƯ 4 khóa XI với những giải pháp tập trung giải quyết những “đầu việc” mang tính cấp bách, đến NQTƯ 4 khóa XII với chủ trương tập trung sức lãnh đạo đổi mới công tác cán bộ là mục tiêu hàng đầu, cho thấy bước tiến dài trong tư duy đổi mới chính trị của Đảng.
Khi nghiên cứu đồng bộ nội hàm của hai nghị quyết trên, sẽ thấy tính hợp lý, sự phát triển cả về mặt tư duy, lý luận lẫn phương châm hành động, chỉ đạo của Đảng ta trong xây dựng Đảng nói riêng, đổi mới chính trị nói chung. Trước hết, NQTƯ 4 khóa XII đã thêm cụm từ “chỉnh đốn” phía sau từ “xây dựng” trong tiêu đề của nghị quyết so với NQTƯ 4 khóa XI. Như vậy, giải pháp nâng cao mặt công tác này không chỉ tập trung ở việc “xây dựng” mà thiết yếu phải đẩy mạnh “chỉnh đốn”; phải thực hiện vừa “xây”, vừa “sửa”; tức là phải coi trọng việc uốn nắn, chỉnh sửa những sai sót, khuyết điểm trong từng nội dung, lĩnh vực công tác. Có thể thấy Đảng ta đã nhìn nhận đúng mức độ, tác hại của những hạn chế, yếu kém; chỉ dừng lại ở các giải pháp “xây” sẽ không giải quyết vấn đề một cách triệt để, mà nhất thiết phải “sửa” mới mang lại hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến mới. Như vậy, xét về bản chất, NQTƯ 4 khóa XII có nội dung rộng hơn, nội hàm sâu hơn, thể hiện tầm nhìn cao hơn, thái độ quyết liệt hơn đối với những vấn đề cấp bách, nguy hại, so với 4 năm trước đây được NQTƯ 4 khóa XI xác định.
Sau khi có NQTƯ 4 khóa XII, dư luận thấy rõ hơn những yếu kém cốt tử của công tác cán bộ. Trung ương thẳng thắn chỉ rõ: “Đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ. Một số cơ chế, chính sách trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa công bằng; chính sách tiền lương, nhà ở chưa tạo được động lực cống hiến cho cán bộ, công chức”. Trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị hiện nay thì có 2 biểu hiện liên quan đến công tác cán bộ; trong 9 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống, thì có 1 biểu hiện hết sức nguy hiểm, đó là tình trạng: “Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”.
Có thể khẳng định, HNTƯ 4 khóa XII đã “điểm mặt, chỉ tên” những biểu hiện yếu kém cốt tử liên quan đến công tác cán bộ; đồng thời đặt ra yêu cầu cao với từng cấp ủy, tổ chức đảng trong việc quyết liệt chỉnh đốn để công tác cán bộ đạt mục tiêu tổng quát NQTƯ 4 khóa XII đã xác định.
Quyết liệt “xây” gắn với “sửa” những yếu kém
Với quan điểm “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Kết hợp giữa "xây" và "chống"; "xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; "chống" là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”, NQTƯ 4 khóa XII xác định phương châm của công tác cán bộ là: “Kiên quyết, kiên trì thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; phát huy sự chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân” để tập trung chỉnh đốn “khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ, như: Phân công, phân cấp, thẩm quyền quản lý, quy trình bổ nhiệm... nhằm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tổng thể, liên thông giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị và chấn chỉnh, khắc phục tình trạng kén chọn vị trí, chức danh trong đội ngũ cán bộ, đảng viên”.
Như vậy, Đảng ta đã chỉ ra hàng loạt đầu việc cần kíp phải chỉnh đốn, làm mới trong công tác cán bộ, trước hết là phải quán triệt, triển khai 10 giải pháp cơ bản mà NQTƯ 4 khóa XII đã xác định. Trong hàng loạt nhóm giải pháp đó, trên hết và trước hết phải tập trung đổi mới công tác đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, trước hết là công tác đánh giá cán bộ. Đây là “kim chỉ nam” cho hành động của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong triển khai quán triệt, học tập NQTƯ 4 khóa XII.
Quán triệt sâu sắc tinh thần Hội nghị Trung ương lần này, việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ phải bắt đầu từ đổi mới quan điểm, phương pháp, quy trình đánh giá cán bộ, bảo đảm đánh giá công khai, minh bạch, trung thực, khách quan, toàn diện, lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ và uy tín trong cơ quan, đơn vị làm thước đo chủ yếu. Cũng với tinh thần ấy, những năm gần đây, chúng ta đã không xa rời những nguyên tắc cơ bản, cốt lõi; thậm chí Trung ương còn quyết liệt đấu tranh, kiên quyết, kiên trì chỉ đạo phần việc hệ trọng này. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức đảng đã rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành nhiều kết luận, quy định, quy chế, hướng dẫn về công tác cán bộ nói chung, công tác đánh giá cán bộ nói riêng. Mới đây nhất, ngày 12-11-2016, Ban Tổ chức Trung ương đồng thời tổ chức ở 3 miền (Bắc, Trung, Nam) 3 hội nghị lấy ý kiến góp ý Đề án về Xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ, tiêu chí đánh giá cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và sửa đổi, bổ sung một số nội dung, quy trình về công tác cán bộ. Đây là phần việc được kỳ vọng sẽ là tiền đề cho những bước đi kế tiếp.
Tuy vậy, việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ cần phải được tiếp tục cụ thể hóa ở mỗi cấp ủy, tổ chức đảng. Tiêu chí cán bộ không chỉ được chủ thể tổ chức đảng chủ động xây dựng, mà phải có sự đóng góp của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân, được công khai để phát huy mọi nguồn lực trong đánh giá cán bộ đúng, trúng, làm cơ sở cho việc sử dụng cán bộ. Tiêu chuẩn cán bộ cũng là tiêu chí quan trọng để phát hiện kịp thời các nhân tố mới, có triển vọng, bồi dưỡng và đào tạo hợp lý, không để lãng phí cán bộ, không để “chảy máu” chất xám...
Không chỉ coi trọng đánh giá cán bộ, mà khâu quan trọng tiếp theo được HNTƯ 4 khóa XII chỉ rõ là: “Hằng năm, hoặc khi chuẩn bị đề bạt, luân chuyển, điều động công tác đối với cán bộ, tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại tổ chức và cán bộ, đảng viên, là: Chương trình hành động của tập thể và cá nhân; kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; kết quả thực hiện cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; tự phê bình và phê bình; sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý...”. Cùng với đó, NQTƯ 4 khóa XII cũng vạch rõ yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, nhất là việc “... sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đổi mới chính sách tiền lương. Thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức Nhà nước. Xây dựng và thực hiện chính sách nhà ở nhằm tạo động lực cho cán bộ, công chức theo hướng nhiều chủ thể tham gia, hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách Nhà nước”. Ngoài ra, việc đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng; rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên; sớm xây dựng chiến lược tiến cử, trọng dụng nhân tài... cũng được xác định là những giải pháp quan trọng hàng đầu.
Một nội dung hết sức quan trọng nữa cần phải đột phá là tập trung đổi mới mạnh mẽ các khâu, các bước của công tác cán bộ; bởi lẽ, theo ý kiến của các chuyên gia, thì quy trình này phù hợp với sự vận động của thực tiễn. Một số ý kiến khác lại cho rằng, tuy quy trình công tác cán bộ đã tròn khâu, bài bản, hệ thống, nhưng ít nhiều đã bị lợi dụng để phục vụ những toan tính lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Do đó, cần sớm nghiên cứu có những thay đổi nhất định để xây dựng một quy trình phù hợp. Hơn nữa, trên cơ sở những đổi mới của Trung ương, các cấp ủy Đảng cần coi trọng việc cụ thể hóa chủ trương, nguyên tắc, quan điểm, giải pháp về công tác cán bộ bằng quy chế, quy định, quy trình bảo đảm dân chủ, chặt chẽ. Đẩy mạnh dân chủ hóa công tác cán bộ, quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi tổ chức, mỗi cấp trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi công vụ; xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
(Theo qdnd.vn)