Thứ Bảy, 28/01/2017, 00:09 (GMT+7)
.

Giấc mơ Việt Nam

Hình như chưa có ai dùng khái niệm này để nói khát vọng vươn lên “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” của người Việt Nam, dù đây là nỗi trăn trở day dứt, niềm lo toan đau đáu của mọi người Việt Nam chúng ta.

Ảnh: Huỳnh Ngọt
Ảnh: Huỳnh Ngọt

Từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994), Đảng ta nói tới nguy cơ “tụt hậu xa hơn về kinh tế của nước ta so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới…”. Gần đây, ta thường cảnh báo về “cái bẫy thu nhập trung bình” của các nước đang phát triển mà nước ta vừa đạt tới. Ngoài ra, trong một số lĩnh vực cụ thể khác, như về GDP bình quân đầu người, nước ta đứng thứ hạng thấp cũng thường được nhắc đến. Khi gia nhập khối ASEAN và nhất là từ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối năm 2015, sự thua kém về trình độ phát triển kinh tế giữa nhóm nước kém phát triển gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar (CLMV) và các nước phát triển cao hơn (ASEAN-6) càng thúc bách AEC nâng cao độ đồng đều trong nội khối. Các nước coi đây là một yêu cầu vừa cấp bách vừa lâu dài để ASEAN phát triển năng động, bền vững.

Những năm qua, hợp tác kinh tế ASEAN phát triển rất đáng khích lệ, kim ngạch nội khối từ 850 tỷ USD (năm 2003) lên 1.710 tỷ USD (năm 2008), tăng trưởng kinh tế mỗi nước tăng hàng năm từ 5 đến 10%.  Nhưng, tuy AEC có những ưu tiên nhất định về lộ trình hội nhập cũng như các hỗ trợ khác, đến năm 2014, GDP bình quân đầu người giữa hai nhóm nước vẫn còn cách biệt rất xa: Cao nhất là Singapore (56.286,6 USD), thấp nhất là Campuchia (1.104,5 USD). Ngay trong nhóm ASEAN-6, GDP bình quân đầu người cũng rất chênh lệch. Trong khi Singapore như thế, Philippines chỉ 2.816 USD/người.
Phần mình, các nước phát triển chậm vừa đẩy mạnh hợp tác trong nội khối AEC và các đối tác bên ngoài khác, vừa tập hợp nhau lại thành từng nhóm nước có những điều kiện, hoàn cảnh giống nhau, nỗ lực phát huy thế mạnh của nhóm và của từng nước.

Vừa qua (ngày 25 và 26-10-2016), Việt Nam đăng cai tổ chức cùng lúc 3 Hội nghị tại Hà Nội: ACMECS 7, CLMV 8 và WEF Mekong (1). Việt Nam mời các đối tác phát triển cùng tham dự tất cả các sự kiện của Hội nghị. Việt Nam đã có sáng kiến mời WEF khu vực Mekong (2). Hội nghị đã đưa ra các biện pháp mới như: Tăng trưởng xanh, Tăng trưởng bao trùm, Xã hội hướng về dân, Ứng phó với biến đổi khí hậu… Kết quả nổi bật là bàn các biện pháp huy động nguồn lực nhằm phát triển và khơi dậy tiềm năng khu vực Mekong, đưa ra những cơ hội, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với tiến trình công nghiệp hóa khu vực Mekong và các giải pháp kết nối, tăng cường hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Hội nghị nhấn mạnh, các nước CLMV cần cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn, ứng dụng nền kinh tế số kịp thời hơn, phát huy các tiềm năng, thế mạnh vào các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ thông tin.

Ngoài các nhóm nước nói trên, tại Hội nghị cấp cao 3 Thủ tướng lần thứ nhất tại Vientian (năm 1999), Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Xen còn có sáng kiến thành lập Tam giác phát triển CLV tại Ngã ba biên giới 3 nước, đang xúc tiến nhiều dự án hạ tầng quan trọng, được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ tích cực…

Ảnh: Huỳnh Ngọt
Ảnh: Lập Đức

Qua một số sự kiện nói trên cho thấy, khát vọng vươn lên là nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia - dân tộc, chỉ khác nhau là ở tên gọi khái niệm và khái niệm có thể mang tên và nội dung khác nhau, tùy theo người nắm quyền lực tối cao và lực lượng cầm quyền. Thông thường, những khát vọng vươn lên là tốt đẹp, vì mình mà cũng vì người, hay ít nhất không làm phương hại, tổn thất đến người khác, nên những khát vọng thường gặp nhau, đồng điệu, có sự hợp tác, giúp đỡ chân thành lẫn nhau. Nếu có sự khác biệt nhau thì cùng nhân nhượng trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Dù cho “vật đổi sao dời”, các quốc gia - dân tộc cũng theo nguyên tắc đó mà hành xử, thì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển là phúc lợi chung của các quốc gia. Tuy nhiên, vẫn có những “khát vọng”, những “giấc mơ” khiến người ta lo sợ, cảnh giác, đấu tranh…

Bác Hồ đã nói lên niềm khát vọng của dân tộc trong Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các em”. Từ đó đến nay, giấc mơ Việt Nam tiếp tục được thể hiện với nhiều khái niệm, những mơ ước gần - xa, cụ thể khác nhau. Riêng Bác Hồ của chúng ta, vào cuối đời, “Cùng với muôn vàn tình thân yêu gửi lại cho đời sau”, trong bản  Di chúc, Người đã kết thúc: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng
thế giới”.

Đảng ta, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), đã cụ thể hóa xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Với lợi ích quốc gia - dân tộc trên hết, những Giấc mơ Việt Nam cứ dần hiện ra…

TRẦN  QUÂN


(1) ACMECS: Tổ chức chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwadi-Chao Phraya-Mekong được thành lập tháng 11-2003, do sáng kiến của Thủ tướng Hoàng gia Thái Lan Thaksin Shinawatra, nhằm tăng cường hoạt động kinh tế ở khu vực Đông Nam Á lục địa (Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia, Việt Nam).

(2) Trong Hội nghị ACMECS7 vừa qua, Việt Nam có sáng kiến mời thêm WEF, LHQ, WB, ADB, các tập đoàn lớn của WEF và các nước trong khu vực; các đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế có mặt tại Hà Nội; nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

(3) CLMV: Nhóm ASEAN-4 gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.

.
.
.