Công việc của Thủ tướng Chính phủ và vai trò của Tổ công tác
Năm 2016 là năm nhận nhiệm vụ của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 với rất nhiều thành viên Chính phủ mới. Do đó, nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ cũng hết sức nặng nề, góp phần quan trọng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoạt động hiệu quả hơn.
Khi Chính phủ mới bắt đầu nhận nhiệm vụ, có nhiều khó khăn không lường trước đã xảy ra như: Hạn hán nghiêm trọng ở Tây Nam bộ, thảm họa môi trường biển từ Formosa, lũ lụt kéo dài ở miền Trung… Bên cạnh đó là những khó khăn vốn có như nợ công, nợ xấu, thâm hụt ngân sách, một số doanh nghiệp thua lỗ lớn… Trong hoàn cảnh và bối cảnh như thế, cả bộ máy Chính phủ đã phải hết sức tập trung, bám sát giải quyết, xử lý từng vấn đề để hạn chế, khắc phục hậu quả, giữ ổn định tình hình và mục tiêu tăng trưởng.
Đặc biệt, trên cương vị người đứng đầu Chính phủ với dày đặc các hoạt động đối nội, đối ngoại và chỉ đạo quyết liệt nhằm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã “tả xông hữu đột” hầu hết những điểm nóng, những địa phương xuất hiện nhân tố mới, mô hình sáng tạo để trực tiếp tìm hiểu, chỉ đạo giải quyết, biểu dương, phát huy… Phong cách năng động của ông khiến nhiều người lo ngại ý kiến chỉ đạo của ông bị “rơi rớt”.
Nhưng không, đã có Tổ công tác của Thủ tướng lấp lỗ trống này. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác có chức năng theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương (sau đây gọi chung là cơ quan) thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo (sau đây gọi chung là nhiệm vụ) do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; được ủy quyền kiểm tra các cơ quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đánh giá toàn diện tiến độ, chất lượng, kết quả thực hiện các nhiệm vụ đó so với yêu cầu đề ra; có ý kiến về sự phù hợp của nhiệm vụ đã giao so với thực tiễn; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ để tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng giải quyết hoặc có biện pháp điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan, kiến nghị các biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế của các cơ quan được kiểm tra; kiến nghị các biện pháp xử lý vi phạm theo quy định (nếu có) với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (xem toàn văn Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1642/QĐ-TTg ngày 19-8-2016 về kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).
Với chức năng, nhiệm vụ nặng nề như thế, Tổ công tác cũng phải rất năng động, gắn kết nhịp nhàng với Chính phủ, nhất là Thủ tướng Chính phủ. Trong 5 tháng của năm 2016 sau khi thành lập, ý thức trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, cơ quan đã có chuyển biến tích cực, Tổ công tác đã kiểm tra tại 13 cơ quan, trong đó có cả Văn phòng Chính phủ. Qua kiểm tra số nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn đến hết năm 2016 chỉ còn 2,18%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2015 là 25%.
Ông Mai Tiến Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác đã bộc bạch một ít tâm sự trong cuộc trò chuyện với Báo Nhân Dân hằng tháng số đầu năm nay, đại ý: Kiểm tra là việc tế nhị, muốn được “tâm phục, khẩu phục” phải công tâm, trung thực, khách quan nhưng đồng thời phải có tâm huyết, thiện chí, góp phần giúp người ta tháo gỡ khó khăn, không kiểm tra theo kiểu “bới lông tìm vết”. Khi Tổ công tác vào TP. Hồ Chí Minh kiểm tra (tháng 10-2016), thành phố đề xuất thành lập Ban quản lý An toàn thực phẩm, lâu nay thuộc các ngành Nông nghiệp, Y tế, Công thương, nay sáp nhập lại mà không tăng biên chế. Tổ báo cáo với Thủ tướng, ông đã trao đổi ý kiến với các bộ liên quan và Bộ Nội vụ, ký quyết định thí điểm thành lập một mô hình mới…
Báo Nhân Dân gọi đây là một điểm mới được dư luận đánh giá cao. Báo Thanh Niên thì cho rằng đây là một “đặc sản” của Thủ tướng. Ông Mai Tiến Dũng cho rằng đây là một sự sáng tạo để thực hiện thông điệp Chính phủ hành động “nói đi đôi với làm”.
Để nhấn mạnh vai trò công tác kiểm tra, ta thường nói: “Lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo”. Văn kiện Đại hội VI của Đảng (năm 1986) đề ra khẩu hiệu đồng thời là phương châm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân: “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra”.
Thiết nghĩ, công tác kiểm tra qua hoạt động của Tổ công tác nhắc nhở chúng ta ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm tra nói chung, trong hệ thống hành chính nói riêng.
TRẦN QUÂN