Thêm động lực mới cho kinh tế tư nhân
Thông điệp mới được đưa ra tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) là “xóa mọi định kiến, rào cản để kinh tế tư nhân phát triển” có ý nghĩa rất quan trọng, tạo thêm luồng gió mới cho không khí khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp (DN) và một lần nữa khẳng định DN được xem là động lực cho nền kinh tế.
Tất nhiên, thông điệp từ Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) sẽ được cụ thể trong các nghị quyết về phát triển kinh tế sắp tới cũng như chương trình hành động của của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Nhưng dẫu sao thông điệp liên quan đến phát triển DN lần này một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của DN, đặc biệt là khối DN tư nhân.
Luồng gió mới cho kinh tế tư nhân bức phá. |
Có lẽ, chưa bao giờ việc cải thiện môi trường đầu tư, phát triển DN, khởi nghiệp được tập trung từ Trung ương xuống đến địa phương được triển khai một cách rầm rộ như hiện nay. Bởi trước đó, Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 16-5-2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 cũng đã xác định, để xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế.
Nghị quyết 35/NQ-CP cũng đã đưa ra mục tiêu đến năm 2020 là xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm, có khoảng 30 - 35% DN Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Và trên tinh thần chủ trương chung của Trung ương, lần đầu tiên Tỉnh ủy Tiền Giang ban hành một nghị quyết mang tính chuyên đề về hỗ trợ và phát triển DN trên địa bàn tỉnh. Đó là Nghị quyết 06-NQ/TU ban hành 27-12-2016 với mục tiêu là tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch thân thiện để thu hút đầu tư; phát triển DN cả về số lượng và chất lượng với quy mô hợp lý; tham gia tích cực vào chuỗi giá trị cung ứng hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực, đặc trưng và có lợi thế cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, DN.
Tạo môi trường thông thoáng cho DN trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn mạnh, bền vững. |
Những năm gần đây, số lượng DN trên địa bàn tỉnh tăng liên tục, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy đã đánh giá, giai đoạn 2010 - 2015, số lượng DN trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển, trở thành lực lượng nòng cốt trong hoạt động sản xuất - kinh doanh ở địa phương, với tốc độ gia tăng giá trị bình quân hàng năm khoảng 15,7%, đóng góp tích cực vào tỷ trọng GRDP của tỉnh, từ 30,8% năm 2010 tăng lên 38,5% năm 2015; thu nhập bình quân của lao động trong các DN tăng từ 2,28 triệu đồng/tháng năm 2010 lên 5,27 triệu đồng/tháng năm 2015...
Tuy nhiên, DN trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Hầu hết DN có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, chiếm khoảng 97% trên tổng số; năng lực kết nối thị trường, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, dẫn đến các sản phẩm của DN chưa được phân phối rộng rãi; số lượng DN đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh ở các mặt hàng chủ lực, mang tính đặc trưng, lợi thế của tỉnh chưa nhiều...
Mục tiêu của Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy đến năm 2020, DN trên địa bàn tỉnh có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, toàn tỉnh có trên 5.000 DN hoạt động, tạo việc làm cho 200.000 lao động; tổng vốn đầu tư trong 5 năm (2016 - 2020) của khu vực DN thực hiện từ 70.000 - 100.000 tỷ đồng, chiến khoảng 60% vốn đầu tư toàn xã hội; tiếp tục cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhất là các chỉ số thành phần còn thấp, phấn đấu đến năm 2020, xếp hạng PCI của tỉnh nằm trong tốp 30 của cả nước.
Trên tinh thần đó, UBND tỉnh cũng tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh; tạo động lực mạnh mẽ thu hút đầu tư, phát triển DN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo. Từ thực tiễn, dễ dàng nhận thấy, chưa bao giờ không khí khởi nghiệp, hỗ trợ và phát triển DN trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện một cách quyết liệt và đồng bộ như thời gian gần đây. Một trong những động thái rõ ràng nhất là thông qua các buổi họp mặt, đối thoại DN do UBND tỉnh và các huyện, thị, thành tổ chức; chưa kể các buổi tiếp xúc DN vào ngày thứ 7 của tuần cuối tháng do Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Thông điệp rất rõ ràng của UBND tỉnh là không chỉ tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các DN mà mục tiêu lớn hơn là tạo nên sự gần gũi, gắn kết giữa chính quyền và DN nhằm thúc đẩy cộng đồng DN ngày càng phát triển.
ANH PHƯƠNG