Thứ Bảy, 17/06/2017, 08:03 (GMT+7)
.

Báo chí phải tự vận động để thích ứng với thực tiễn

Kỷ niệm 92 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2017) là dịp để mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo soi rọi lại hoạt động và nghề nghiệp của mình. Bởi chưa bao giờ nền báo chí Việt Nam lại phát triển một cách sôi nổi và năng động như hiện nay. Số lượng các cơ quan báo chí tăng nhanh thời gian qua đi kèm là số lượng nhà báo được cấp thẻ hành nghề cũng tăng rất cao. Tuy nhiên, báo chí hiện nay cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ.

Thực tiễn hoạt động báo chí hiện nay cũng cho thấy, các cơ quan báo chí đang thoát dần cơ chế được Nhà nước bao cấp cho mọi hoạt động, trong đó chủ yếu là bao cấp về tài chính. Nghị định 10/NĐ-CP của Chính phủ và gần đây là Nghị định 43/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ về tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập được áp dụng cho một số cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí ở địa phương, đã phần nào hướng các cơ quan báo chí tự tìm nguồn tài chính hoạt động khi Nhà nước giảm dần nguồn trợ cấp kinh phí từ ngân sách Nhà nước.

Chủ trương này đã tạo nên những “cú hích” quan trọng để các cơ quan báo chí tự quyết được các hoạt động nhưng đồng thời cũng đòi hỏi các cơ quan báo chí phải năng động hơn trong các hoạt động kinh tế - dịch vụ nhằm đảm bảo nguồn thu để cân đối các khoản chi. Giờ đây, mô hình hoạt động của mỗi cơ quan báo chí gần giống như một doanh nghiệp.

Hoạt động báo chí ngày càng sôi nổi.
Hoạt động báo chí ngày càng sôi nổi.

Thế nhưng, đã bước chân vào kinh tế thị trường, cạnh tranh là quy luật hiển nhiên. Nó không chỉ trong lĩnh vực báo chí mà là hầu hết trên các lĩnh vực, ngành nghề khác. Cạnh tranh tất yếu là dẫn đến đào thải nhưng cạnh tranh cũng là yếu tố để thúc đẩy các đơn vị tự vươn lên để tồn tại và phát triển. Với một nền báo chí ngày càng năng động, với sự tăng lên về số lượng cũng như các loại hình báo chí và hội nhập với nền báo chí thế giới, cạnh tranh trên lĩnh vực báo chí chắc chắn ngày càng gay gắt hơn.

Xu hướng tự chủ về tài chính trong tương lai cũng sẽ dẫn đến sự cạnh tranh giữa các cơ quan báo chí ngày càng khốc liệt hơn. Thực tế này cũng đã diễn ra. Sự cạnh tranh đó cũng là cần thiết, nhưng không phải là tất cả, có cạnh tranh mới tạo ra chất lượng. Sản phẩm truyền thông muốn được nhiều người sử dụng, bán cho nhiều người mua thì chất lượng thông tin của nó phải tốt về nội dung lẫn hình thức kể cả cách thông tin làm sao đến với được mọi người.

Trên thị trường báo chí Việt Nam hiện nay có nhiều cách cạnh tranh, chẳng hạn cạnh tranh trên phương diện tăng trang, tăng kỳ; tích hợp đa phương tiện hay từ hình thức thu hút nguồn nhân lực giữa các cơ quan báo chí lẫn nhau. Một sự cạnh tranh về nguồn nhân lực cũng đã và đang diễn ra, sự chuyển dịch nguồn lực từ các báo Đảng địa phương sang các cơ quan báo chí có thương hiệu đang là thực tế hiển nhiên, khi mà các cơ quan báo này có chế độ đãi ngộ hấp dẫn hơn các cơ quan báo chí địa phương.

Tuy nhiên, có thể thấy sự cạnh tranh về thông tin là khốc liệt nhất. Hàng ngày những tin tức về pháp luật, xã hội… xuất hiện tràn lan trên các báo. Nhưng để nguồn tin nóng triển khai ở các số báo tiếp theo thì lúc này diễn ra cuộc cạnh tranh mạnh mẽ giữa các báo…Theo PGS.TS Dương Xuân Sơn: “Trong cuộc cạnh tranh này, các báo thường cố gắng có được những thông tin độc quyền bằng nhiều cách khác nhau, có thể trả phí hoặc có thể thông qua mối quan hệ của phóng viên và tòa soạn”.

Cán bộ, phóng viên Báo Ấp Bắc tham quan mô hình hoạt động của Báo Sài Gòn Giải Phóng.
Cán bộ, phóng viên Báo Ấp Bắc tham quan mô hình hoạt động của Báo Sài Gòn Giải Phóng.

Nhìn ở khía cạnh khác, sự cạnh tranh trên thị trường truyền thông hiện nay không còn ở giữa các cơ quan báo chí với nhau, giữa báo in với báo hình, báo nói hay giữa cơ quan báo chí Trung ương với báo chí địa phương mà còn là sự cạnh tranh giữa các cơ quan báo chí với mạng truyền thông xã hội. Internet phát triển như vũ bão ở Việt Nam hiện nay là mảnh đất màu mỡ cho các mạng truyền thông xã hội phát triển, gây sức ép to lớn đến các cơ quan báo chí, trong đó có mảnh đất kinh tế báo chí.

Sự phát triển mạnh mẽ của Internet, của các loại hình truyền thông đại chúng một mặt tạo nên mặt bằng cạnh tranh lẫn nhau, thị phần bị chia nhỏ ra nhưng một mặt cũng giúp các cơ quan báo chí tái cấu trúc lại hoạt động nhằm thích ứng với những biến đổi nhanh chóng hiện nay.

Theo TS. Nguyễn Thành Lợi: Để thích nghi với sự cạnh tranh trong “môi trường hội tụ”, nhiều tờ báo đã thay đổi chiến lược, thông qua phương thức “báo - mạng tương tác”, duy trì thương hiệu của tờ báo và mở rộng độ ảnh hưởng. Các phương tiện truyền thông truyền thống như phát thanh, truyền hình cũng đang phải đối mặt với số phận tương tự, trong môi trường truyền thông đó, hội tụ truyền thông đã trở thành vấn đề phát triển mà các phương tiện truyền thông đại chúng buộc phải đối mặ  t" 

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có đủ các loại hình báo chí, bao gồm báo in, phát thanh, truyền hình, cả báo mạng điện tử. Nói một cách công bằng, báo chí Tiền Giang đã có đóng góp không nhỏ trong tiến trình phát triển của tỉnh nói riêng và nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung. Thế nhưng, trước xu thế hiện nay, báo chí Tiền Giang sẽ không ngoại lệ. Để tồn tại, không có con đường nào khác là phải tự đổi mới mình.

Tại Hội thảo báo Đảng 5 thành phố trực thuộc Trung ương do Báo Cần Thơ đăng cai tổ chức gần đây, các đại biểu tham dự đã đưa ra rất nhiều khuyến nghị nhưng tựu trung lại là các cơ quan báo chí nên tự làm mới mình thông qua việc cải tiến nội dung, hình thức, việc tổ chức các chuyên trang, chuyên đề... Trên tinh thần này, mỗi nhà báo cũng phải tự làm mới mình nhằm thích ứng với xu thế chung đó.

ANH PHƯƠNG

.
.
.