Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Cơ hội và thách thức
Tại buổi gặp gỡ sinh viên Đại học FPT ngày 13-2-2017, khi nói về cách mạng công nghiệp lần thứ tư Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: “Tôi chỉ gói gọn nó trong một từ, đó chính là kết nối. Một số quan điểm cho rằng còn hơi sớm để nói về một cuộc cách mạng công nghiệp mới. Tuy nhiên, một cách lạc quan, chúng ta hãy công nhận rằng cuộc cách mạng ấy đã bắt đầu và đặc trưng của nó là kết nối; kết nối 8 tỷ thiết bị, trên mọi giác độ, mọi tầng lớp, đời sống chính trị xã hội, không chỉ ở một mái trường, một tỉnh, một đất nước mà trên phạm vi toàn cầu. Cuộc cách mạng ấy liên quan mật thiết đến công nghệ thông tin”.
Còn theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (The Fourth Industrial Revolution) là kỷ nguyên công nghiệp lớn thứ tư kể từ cuộc cách mạng công nghiệp lần đầu tiên từ thế kỷ XVIII. Cuộc cách mạng công nghiệp này có thể được mô tả như là một loạt các công nghệ mới đang kết hợp các thế giới vật lý, kỹ thuật số và sinh học, và ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, nền kinh tế và các ngành công nghiệp. Trung tâm đến cuộc cách mạng này đang nổi lên những đột phá công nghệ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robot, Internet vạn vật, xe tự lái, công nghệ in 3D, và công nghệ nano.
Theo Vn Express: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra từ những năm 2000 gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Năm 2013, một từ khóa mới là “Công nghiệp 4.0” (Industrie 4.0) bắt đầu nổi lên xuất phát từ một báo cáo của Chính phủ Đức đề cập đến cụm từ này nhằm nói tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người.
Theo Zing.vn: Hiện cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra cho nhân loại nhiều thách thức phải đối mặt là nó có thể gây ra sự bất bình đẳng. Đặc biệt là có thể phá vỡ thị trường lao động, làm cho hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp, nhất là những người làm trong lĩnh vực bảo hiểm, môi giới bất động sản, tư vấn tài chính, vận tải. Những thay đổi về cách thức giao tiếp trên Internet cũng đặt con người vào nhiều nguy hiểm về tài chính, sức khỏe. Thông tin cá nhân nếu không được bảo vệ một cách an toàn sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường…
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nêu: “Báo chí trong thời đại mới gắn chặt với truyền thông số - nhất là trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Nếu chúng ta không tiến kịp, chính báo chí sẽ đi sau mạng xã hội và nguy cơ tụt hậu với mạng xã hội là một nguy cơ hiện hữu. Sắp tới đây, trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và khi 5.0 xuất hiện, sẽ có sự thay đổi lớn. Khi đó, liệu người ta có đọc báo, nghe đài như hiện nay nữa hay không?”. Bộ trưởng hy vọng thế hệ làm báo hôm nay phát huy truyền thống, gắn kết với sự tiếp nhận của cách mạng công nghệ 4.0 để tạo dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam trở thành nền báo chí hiện đại, nhưng vẫn giữ bản sắc dân tộc.
Lịch sử đã chứng minh các cuộc cách mạng công nghiệp dẫn đến sự phát triển vượt bậc của lực lượng sản xuất tạo ra lượng của cải khổng lồ trên thế giới. Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - giai đoạn công nghiệp 4.0 - đang đến Việt Nam, sẽ tạo ra sự thay đổi lớn lao, không chỉ biến đổi kinh tế mà cả văn hóa, xã hội một cách toàn diện, nhưng bên cạnh những cơ hội mới, nhiều thách thức phải đối mặt. Cần hiểu đúng bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này để chúng ta có những giải pháp thích ứng nhằm tận dụng cơ hội, hóa giải thách thức.
NHƯ NGỌC