Thứ Hai, 26/06/2017, 05:57 (GMT+7)
.

Sau "giải cứu" bí đỏ, sẽ đến sản phẩm nào?

Câu chuyện “giải cứu” đàn heo chưa đi đến hồi kết, những ngày gần đây trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện tình trạng “giải cứu” bí đỏ. Câu hỏi đang được đặt ra là sau bí đỏ rồi đến sản phẩm nào?

Thật ra, câu chuyện “được mùa rớt giá” trong sản xuất nông nghiệp không còn là đề tài mới, bởi dường như năm nào cũng xảy ra, ở nhóm hàng này hay nhóm mặt hàng khác mà thôi. Và tất nhiên, câu chuyện này rất khó có hồi kết. Thế nhưng, những tháng đầu năm 2017, câu chuyện về sản xuất nông nghiệp lại trở nên sôi nổi hơn với nhiều đợt “giải cứu” đã và đang diễn ra.

Nóng bỏng nhất có lẽ từ ngành chăn nuôi heo. Báo cáo 6 tháng đầu năm 2017 của ngành Nông nghiệp cũng đã đánh giá và nhìn nhận, bắt đầu từ tháng 1 giá heo hơi bắt đầu sụt giảm và giữ mức thấp cho đến nay và hiện nằm ở dưới mức giá thành (giá thành hiện giao động từ 30.000 - 35.000 đồng/kg tùy theo phương thức nuôi). Từ thực tế như thế một cuộc “giải cứu” rầm rộ đã diễn ra nhằm cứu vãn ngành chăn nuôi heo giảm bớt tổn thất.

Sản phẩm nông nghiệp luôn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ.
Sản phẩm nông nghiệp luôn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Việc “giải cứu” đàn heo chưa có hồi kết thì một số mặt hàng khác cũng tiếp nối theo. Chẳng hạn, giá trứng gà cũng trên đà giảm, hiện chỉ giao động ở mức 1.300 đồng/trứng thay vì 1.900 đồng/trứng vào thời điểm tháng 12/2016; trong khi đó giá gà Lương Phượng cũng nằm ở mức dưới giá thành sản xuất trong thời gian dài và hiện chỉ dao động ở mức 32.000 đồng/kg, người chăn nuôi vẫn còn thua lỗ.

Thật ra, ngành Nông nghiệp cũng có rất nhiều điểm sáng, nhất là thông qua số liệu xuất khẩu những tháng đầu năm 2017. Số liệu thống kê về xuất khẩu rau quả tính đến hết tháng 5 năm 2017 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu rau quả bình quân đạt trên 274 triệu USD mỗi tháng, tăng đến 40% so với bình quân mỗi tháng cùng kỳ của năm 2016.

Nếu tính theo yếu tố chu kỳ, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng rau quả sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm 2017. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm 2017 sẽ đạt trên 1,6 tỷ USD.

Sản xuất theo phong trào dễ dẫn đến hệ quả là những đợt
Sản xuất theo phong trào dễ dẫn đến hệ quả là những đợt "giải cứu".

Điểm đáng chú ý trong cơ cấu xuất khẩu rau quả là mặt hàng thanh long tiếp tục tăng trưởng cao. Chỉ tính 4 tháng, thanh long đã đạt trên 786 triệu USD, chiếm trên 50% trong cơ cấu xuất khẩu rau quả và tăng gần 40% so cùng kỳ, chủ yếu vẫn xuất sang thị Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại cũng khuyến cáo người dân cần đảm bảo nguồn cung ổn định, tránh chạy theo số đông để đánh dư thừa, tạo điều kiện cho thương lái ép giá. Cụ thể, tại 2 tỉnh Tiền Giang và Long An, do hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với thanh long ruột trắng, nên thời gian gần đây nhà vườn Đồng bằng sông Cửu Long ồ ạt trồng thanh long ruột đỏ.

Hiện nông dân còn mạnh dạn phá bỏ vườn thanh long ruột trắng để chuyển qua trồng hàng nghìn hecta thanh long ruột đỏ. Do đó, địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch đất trồng thanh long, vận động nhà vườn không trồng thanh long ruột đỏ theo phong trào.

Cảnh báo được đưa ra không chỉ đối với thanh long ruột đỏ mà còn đối với nhiều loại nông sản khác, bởi tính “phong trào” của nó. Chẳng hạn, đối với bưởi da xanh. Trong một thời gian ngắn, diện tích trồng bưởi da xanh trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, đặc biệt là trên địa bàn huyện Chợ Gạo.

Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện Chợ Gạo hiện có tổng diện tích trồng bưởi là 500 ha, trong đó bưởi da xanh chiếm hơn 350 ha, tập trung nhiều ở các xã: Song Bình, Long Bình Điền, Xuân Đông, Hòa Định, Lương Hòa Lạc, Đăng Hưng Phước, Bình Phan... Diện tích trồng bưởi da xanh chắc chắn còn tăng nhanh trong thời gian tới và chưa biết hiệu quả mang lại sẽ đạt được ở mức nào.

Điểm qua một số mặt hàng trong nông nghiệp mới thấy rằng, tuy duy sản xuất theo “phòng trào” vẫn chưa được thay đổi. Kết quả, những cuộc “giải cứu” cứ diễn ra là điều cũng không khó hiểu.

ANH PHƯƠNG

.
.
.