Thứ Bảy, 15/07/2017, 10:13 (GMT+7)
.

Đưa Di sản văn hóa về đúng giá trị gốc

Sự cố đau lòng - trâu húc chết chủ trong Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017, là một hồi chuông báo động đòi hỏi những động thái quyết liệt hơn nữa của cơ quan quản lý văn hóa trong việc chấn chỉnh lễ hội biến tướng, phản cảm, tiềm ẩn nguy hiểm tới tính mạng con người.
 

Biến tướng lễ hội

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận năm 2013. Đây là một lễ hội truyền thống của người dân làng chài ở vùng biển Đồ Sơn (Hải Phòng) diễn ra vào ngày 9/8 âm lịch hàng năm.

Được biết, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn thực chất là một lễ hội cầu yên hòa cho những người đi biển. Lễ hội gắn việc thờ cúng thủy thần với nghi lễ chọi và hiến sinh trâu... Hình ảnh sừng trâu là biểu tượng của mặt trăng, thủy trăng. Khi chọi, sừng của con trâu như mặt trăng lưỡi liềm. Hành động trâu húc nhau giống như sự vận động của thủy triều. Kết thúc lễ hội chọi trâu, người xưa sẽ lấy con trâu thắng cuộc được cho vào lưới, đưa lên thuyền, mang ra khơi xa rồi hắt xuống để tế thần, để cầu sóng yên biển lặng.
Lễ hội có sự giao thoa giữa yếu tố văn hóa nông nghiệp vùng đồng bằng với văn hóa cư dân ven biển để tưởng nhớ công ơn các vị thần, duy trì kỉ cương làng xã, cầu cho “nhân khang vật thịnh”, khẳng định tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng. Cũng chính những giá trị văn hóa đậm nét ấy, mà chọi trâu Đồ Sơn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

aaa
Ảnh minh họa. ( nguồn: Báo xây dựng)

Tuy nhiên, việc tổ chức lễ hội chọi trâu như hiện nay đang làm sai lệch, biến tướng khi cách tổ chức gần như coi nhẹ phần lễ. Việc quảng bá, giới thiệu các giá trị tín ngưỡng, tâm linh, văn hóa của lễ hội ít được đề cập đến, chủ yếu nhấn vào phần hội là chọi trâu. Trước kia, phần chọi trâu chỉ là phần nhỏ của lễ hội, nhưng nay lại được coi trọng hơn theo hướng có biểu hiện trục lợi, yếu tố thương mại hóa. Những việc này không thể hiện được cái hồn của lễ hội là giáo dục, trao truyền cho thế hệ sau những giá trị chân, thiện, mỹ của lễ hội mà còn kích động bạo lực.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn hiện nay được đem ra tổ chức ở sân vận động, có bán vé, có cá cược, có huy động thì với những hình ảnh như thế không còn là di sản văn hóa nữa. Hơn nữa, lễ hội chọi trâu hiện nay không phải theo yêu cầu về sinh hoạt tâm linh nên không thể được gọi là lễ hội truyền thống vì quá xa rời với bản chất đẹp đẽ mà ông cha đã tạo ra.

Đưa lễ hội về đúng giá trị gốc

Các địa phương đều muốn tổ chức lễ hội để quảng bá, giới thiệu về các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn của mình. Đấy cũng là định hướng trong việc gắn phát triển văn hóa với phát triển kinh tế, biến di sản thành tài sản cho các cộng đồng để họ phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, không thể vì quá chú trọng đến việc kinh doanh mà quên việc tuyên truyền các giá trị tốt đẹp của di sản. Sự biến tướng của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có nguyên nhân từ việc không hiểu đúng bản chất của lễ hội, vì thế dẫn đến việc dễ dãi cho tổ chức các hoạt động trá hình lễ hội chọi trâu truyền thống nhằm lôi kéo đám đông, thu hút khách du lịch.

Từ sự cố đáng tiếc ở lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vừa qua, dư luận xuất hiện nhiều luồng ý kiến về việc nên hay không nên tổ chức lễ hội như chọi trâu. Nhiều ý kiến cho rằng nên cấm, vì những lễ hội như vậy mang nặng tính bạo lực, không an toàn. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, lễ hội truyền thống có giá trị văn hóa hàng trăm năm trước, đã đi vào tâm thức của người dân miền biển, không nên cấm.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có đoàn kiểm tra và yêu cầu các đơn vị chức năng của Hải Phòng rà soát lại công tác tổ chức, trong đó, chú trọng đến việc đưa lễ hội chọi trâu trở về đúng với bản chất văn hóa truyền thống, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng, đời sống lành mạnh của cộng đồng.
Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng cũng đã có văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017. Trong văn bản nêu rõ: “Cục Di sản văn hóa sẽ tiến hành rà soát quy trình thực hành di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn; kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ đã được cam kết tại hồ sơ khoa học Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, nếu các biện pháp không thực hiện theo cam kết, Cục Di sản văn hóa và Hội đồng thẩm định sẽ tham mưu Bộ trưởng xem xét khả năng đưa Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn ra khỏi danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia".

Từ góc độ văn hóa, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, bản thân lễ hội chọi trâu không xấu, mà nó bị biến tướng, bị thương mại hóa trong quá trình tổ chức. Những lễ hội đã có từ hàng trăm năm, từ lễ hội làng trở thành lễ hội vùng, nên không tránh khỏi những thay đổi. Điều quan trọng là phải tổ chức lễ hội như thế nào, ứng xử với lễ hội như thế nào cho phù hợp.

Hiện nay, khó có thể đưa ra kiến nghị nào sớm, hạn chế hoặc tạm dừng, mà cần phải nghiên cứu với một cái nhìn mới, một cách tiếp cận mới trong xã hội đương đại. Có thể giải quyết dần từng bước, rồi sau này thay đổi đi cho phù hợp, xem xưa và nay khác nhau như thế nào để có lời giải cho bài toán chọi trâu Đồ Sơn. Các cơ quan quản lý văn hóa cần rà soát lại công tác tổ chức để đưa lễ hội chọi trâu trở về đúng với bản chất văn hóa truyền thống, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng, đời sống lành mạnh của cộng đồng./.
                                                                                                                                      Theo dangcongsan.vn

 

.
.
.