Cuộc chiến gạo và "thách thức 109" của Việt Nam
Cứ thấy cách Campuchia táo bạo vác bao gạo tặng cho Hoa hậu ngày đăng quang, cách Thủ tướng Thái nhìn đăm đăm rồi hỏi thật kỹ về gạo Việt, và cả những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về sửa đổi điều kiện xuất khẩu gạo, mới thấy cuộc chiến gạo nóng lắm rồi.
Đọc tin thấy Chính phủ thảo luận về phương án xử lý hàng nghìn điều kiện kinh doanh, chợt nhớ tới câu chuyện về Nghị định 109 quy định điều kiện xuất khẩu gạo.
Hạt gạo xuất khẩu của Việt Nam vướng nhiều quy định tại Nghị định 109. |
Mấy hôm nay, một số doanh nghiệp kinh doanh gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long gặp tôi tại Hội chợ “Nông sản sạch - an toàn 2017” tổ chức tại Cần Thơ, đa số đều hỏi về chuyến thăm Thái Lan của Thủ tường Nguyễn Xuân Phúc mới đây. Có anh còn hỏi triển vọng của mấy chữ “thúc đẩy hợp tác gạo” hai bên đã thỏa thuận mà anh đọc được từ website Bộ Công Thương.
Xem lại bài tường thuật về cuộc hội đàm chiều 17/8 thì đoạn mà doanh nghiệp đề cập là đây: “Hai Thủ tướng đánh giá cao những kết quả đạt được và khẳng định quyết tâm sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức 20 tỷ USD, cùng hỗ trợ nhau trở thành trung tâm thu hút đầu tư, thương mại của khu vực, tạo điều kiện cho hàng hóa của hai nước tiếp cận thị trường của nhau, thúc đẩy hợp tác gạo”.
Các doanh nghiệp vui vẻ nói về câu chuyện ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hòa Bình Campuchia vừa trao món quà “đột phá” về mặt ý nghĩa, là một bao gạo cho hoa hậu khi đang quang. Một người bình: “Qua đó, thấy Campuchia cũng đã đĩnh đạc tuyên bố sẵn sàng cạnh tranh trên sàn đấu về gạo giữa các nước ASEAN nhé”.
Thúc đẩy hợp tác gạo rõ ràng gạo là mối quan tâm của chính phủ Thái, đặc biệt trong quan hệ thương mại Việt - Thái.
Vài tuần trước, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao được Bộ Công Thương ủy nhiệm tham gia tổ chức đoàn doanh nghiệp dự Hội chợ ASEAN-Ấn Độ tại Thái. Tại lễ khai mạc có chương trình Thủ tướng Thái đi thăm hai gian hàng của nhà tổ chức là Thái và Ấn Độ, không thăm gian hàng của chúng ta.
Nhưng khi ông đi ngang, chợt nhìn thấy quầy gạo trưng bày theo phong cách dân dã Việt Nam, với gióng gánh, bao bố, trên nền thảm lúa xanh tươi, ông dừng lại và quay sang hỏi ban tổ chức: Các bạn triển lãm gạo sạch à? Tôi trả lời, dạ không, gạo hữu cơ. Ông hỏi tiếp ngay, gạo hữu cơ, ai cấp chứng nhận, Giáo sư Võ Tòng Xuân đứng cạnh đó trả lời: Chứng nhận của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và châu Âu. Ông gật gù, hơi đăm chiêu một chút rồi hỏi qua chuyện khác…
Bên khu 10 gian hàng thương mại, gạo Cỏ May của Việt Nam nấu thơm lừng, mời khách dùng thử đã thu hút sự chú ý đặc biệt. Có người khen thơm và dẻo. Vậy mà vào buổi chiều, tại cuộc kết nối giao thương tổ chức cho 20 doanh nghiệp Việt và 50 khách mua hàng của Thái, dù đã có 6 tổ chức ghi tên gặp Cỏ May để đàm phán mua hàng, anh Phạm Minh Thiện, Giám đốc Công ty phải lắc đầu. Bởi công ty đâu có được phép xuất khẩu gạo đâu mà bán, dự hội chợ để thu thập thông tin và quảng bá thôi.
Thiện Cỏ May nhắc lại câu chuyện điều kiện kinh doanh gạo theo Nghị định 109, cho đến nay vẫn chưa được sửa. Vậy thì ta sẽ thúc đẩy hợp tác (và cạnh tranh) về gạo với Thái Lan ra sao?
Lần tìm lại tư liệu hơi xa, năm 2013, tôi đọc thấy: Tại cuộc chất vấn ngày 4/8/2013 trước Quốc hội, một đại biểu hỏi: “Nghị định 109 đã định hướng chỉ còn 100 thương nhân đầu mối đủ điều kiện mới được xuất khẩu gạo, như vậy phải chăng là “bóp nghẹt” đầu ra của hạt gạo Việt Nam, làm nảy sinh những nhóm lợi ích đang trục lợi chính sách và công sức của người nông dân trồng lúa?”.
Vị Bộ trưởng Công Thương khi đó giải thích khá dài dòng và cuối cùng ông kết luận “vẫn phải khống chế doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo. Doanh nghiệp nào liên tiếp trong 2 năm không xuất khẩu được quá 10.000 tấn gạo/năm thì không cấp phép”.
Tháng 3 năm nay, tại hội nghị "Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long” được tổ chức ở An Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành có liên quan rà soát lại các quy định gây cản trở sự phát triển ngành lúa gạo Việt Nam.
Cụ thể, đối với Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo, Thủ tướng yêu cầu sửa đổi nghị định này theo hướng không đưa ra nhiều quy định phức tạp trong xuất khẩu gạo. Không quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo - điều này đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký quyết định bãi bỏ.
Tuy nhiên, Nghị định 109 vẫn còn nhiều trở ngại khác như điều kiện ít nhất có một kho chứa chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa, có ít nhất một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, hay phải xuất khẩu gạo trong thời gian 12 tháng liên tục mới được cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo…
Những điều kiện này khiến các doanh nghiệp trong đó có Cỏ May chưa thể tự mình xuất khẩu gạo được. Với Cỏ May, đơn vị này phải xuất ủy thác qua một công ty khác và để tạo niềm tin cho đối tác tại Singapore, Cỏ May phải lập một công ty của chính mình tại Singapore để giao dịch trực tiếp với các siêu thị.
Thủ tướng cũng yêu cầu không nên trao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhiều quyền không nên có như quy định giá sàn, phân phối quota cứng... để đảm bảo kinh tế thị trường.
Có mặt tại hội nghị này, một số doanh nghiệp nói với chúng tôi rằng: Việc trao quyền định giá sàn cho VFA, cũng như phân phối quota chẳng những không giúp cho xuất khẩu gạo tốt hơn, mà thậm chí còn gây cản trở xuất khẩu gạo của doanh nghiệp nói riêng và phát triển ngành lúa gạo Việt Nam nói chung.
Bộ Công Thương không thể không lưu ý đến sức nóng của tình hình khi cục diện cạnh tranh với các đối tác cùng trong AEAN đang càng lúc càng trực tiếp và căng thẳng, quyết liệt hơn. Thực sự mỗi ngày họ vẫn chạy đua khốc liệt nâng chất lượng, giành phần trên thị trường gạo thế giới.
Sửa đổi Nghị định 109 - trễ thêm một ngày là mất đi bao cơ hội của doanh nghiệp, của nông dân, nhất là của cả nền kinh tế đang gặp không ít khó khăn hiện nay.
(Theo chinhphu.vn)