Lời giải nào cho phát triển bền vững ĐH ngoài công lập
Để phát triển bền vững đại học ngoài công lập, cần giải quyết các vướng mắc về chủ sở hữu cũng như huy động, giải phóng nguồn lực phát triển.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị các trường ĐHNCL. Ảnh: vietnamnet.vn |
Những tổ chức và cá nhân phù hợp sẽ được lựa chọn để chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển bền vững các trường đại học ngoài công lập (ĐHNCL) ở Việt Nam”. Đây là nội dung được thống nhất tại cuộc họp của Hội đồng khoa học tư vấn tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình Khoa học giáo dục cấp quốc gia do GS.TS Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ nhiệm.
Chưa nhìn nhận đúng vai trò của ĐHNCL
Theo đánh giá của các nhà khoa học, không chỉ tại Việt Nam, ĐHNCL đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển giáo dục ĐH, mỗi trường có sứ mạng riêng và tham gia hệ thống giáo dục ĐH, cung cấp nguồn nhân lực theo các phân khúc khác nhau.
Ở một số nước, tỷ lệ sinh viên học tại các trường ĐHNCL là khá lớn. Tỷ lệ này là 86% ở Philippines, 75% ở Hàn Quốc và 60% ở Brazil, Indonesia, Bangladesh và Columbia. Ở Mỹ, trong 10 trường hàng đầu thì có đến 9 trường là ngoài công lập như Harvard, MIT... và chỉ có 1 trường công lập là California State University (CSU), Berkeley.
Theo một số bảng xếp hạng thì trong 10 trường ĐH hàng đầu thế giới, có ít nhất 8 trường là tư thục và 2 trường công lập. Điều này phần nào phản ánh vai trò của các trường ĐHNCL trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trên thế giới.
Tại Việt Nam, Quyết định số 121/2007/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH và cao đẳng giai đoạn 2006-2020 đưa ra mục tiêu đến năm 2020 nước ta có 30-40% sinh viên học trong các cơ sở giáo dục ĐHNCL. Tuy nhiên, sau 10 năm, số lượng sinh viên ĐHNCL của Việt Nam vẫn chưa vượt qua được con số 13,16 %. Vai trò, vị thế của ĐHNCL vẫn chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng, từ đó chưa tạo động lực và “đối xử” bình đẳng về chính sách, cơ chế, môi trường và điều kiện để tồn tại và phát triển bền vững.
Chính vì lẽ đó, cần phải có một nhiệm vụ nghiên cứu bài bản, căn cơ về ĐHNCL từ đó đề xuất những chính sách, mô hình, cơ chế để phát triển bền vững ĐHNCL.
Nói cách khác, nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển bền vững các trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam” được thực hiện sẽ cung cấp luận lý khoa học phục vụ cho việc xây dựng, thực thi chính sách về ĐHNCL của Bộ GD&ĐT.
Tìm mô hình phù hợp để phát triển ĐHNCL
Thời gian qua, việc thống kê, đánh giá thực trạng phát triển của ĐHNCL Việt Nam, so sánh, đối chiếu với các mô hình, chính sách phát triển ĐHNCL của các nền giáo dục tương đồng trên thế giới để đề xuất mô hình ĐHNCL của Việt Nam cùng với cơ chế, chính sách để phát triển bền vững loại hình cơ sở giáo dục này trong thời gian tới… đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học và các tổ chức khoa học và công nghệ trên toàn quốc.
Đến thời điểm quy định, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận được 4 hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ của Trường ĐH Thăng Long, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam.
Hội đồng đã thảo luận, đánh giá từng hồ sơ theo các tiêu chí đánh giá quy định, cho điểm độc lập từng hồ sơ và bỏ phiếu đánh giá chấm điểm cho từng hồ sơ theo phương thức bỏ phiếu kín. Kết quả, Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam được lựa chọn tổ chức chủ trì, thực hiện. PGS.TS. Trần Quang Quý chịu trách nhiệm chủ nhiệm nhiệm vụ. Nhóm nghiên cứu chủ trì đề tài có trách nhiệm hướng dẫn và cùng với cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ tiếp thu ý kiến của Hội đồng, chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ để thẩm định và đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt thực hiện.
Thay mặt Hội đồng khoa học, GS.TS Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã lưu ý nhóm nghiên cứu được lựa chọn một số nội dung cần tập trung chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để “bắt” đúng trọng tâm “đề bài” mà nhiệm vụ khoa học này đề ra.
Theo phân tích của Bộ trưởng, về bản chất không có sự khác biệt giữa ĐH công lập và ĐHNCL. Các cơ sở giáo dục ĐH chỉ khác nhau về sở hữu, chất lượng và sứ mệnh. Nhiệm vụ của tất cả các trường ĐH là nghiên cứu khoa học, chuyển giao trí thức theo sứ mệnh. Sứ mệnh này được xác định nhờ phân tầng đại học. Vướng mắc về sở hữu chính là nút thắt tạo ra những bất cập về quan niệm, chính sách, cơ chế, dẫn đến nhận thức chưa đúng, quy định chưa hợp lý về ĐHNCL trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Vì thế, câu hỏi nghiên cứu quan trọng nhất của nhiệm vụ này là phải chỉ ra vướng mắc về chủ sở hữu, về huy động, giải phóng nguồn lực phát triển ĐHNCL.
Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn cũng yêu cầu nhóm nghiên cứu cần có các phương pháp khoa học (thống kê, mô hình hóa, phân tích, đối sánh…) để tìm ra lời giải cho bài toán sở hữu này bằng các đề xuất kiến nghị chính sách, tạo hành lang pháp lý để xây dựng môi trường tích cực, bình đẳng cho ĐHNCL phát triển bền vững.
“Giải quyết được những khúc mắc xung quanh bài toán sở hữu sẽ đồng thời tìm được lời giải cho câu chuyện ĐH lợi nhuận, phi lợi nhuận. Từ đó góp phần tăng cường xã hội hóa, đa dạng hóa huy động nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục ĐH, theo đúng tinh thần của Nghị Quyết TW 5 về tạo điều kiện cho thành phần kinh tế tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ giáo dục. Bộ GD&ĐT sẽ căn cứ vào các luận lý khoa học này để sửa đổi, điều chỉnh những nút thắt trong Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học đã và đang ràng buộc, cản trở sự phát triển của ĐHNCL”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kết luận.
(Theo chinhphu.vn)