Thứ Tư, 13/09/2017, 21:32 (GMT+7)
.

Cần lắm một chữ tâm!

Từ nghìn xưa trong xã hội đã đề cao cái tâm trong mối quan hệ giao tiếp của con người, cái tâm thể hiện qua đạo đức, tính cách, cách cư xử của con người với nhau. Ông bà ta từng giáo huấn: sống trên đời cần có một cái tâm. Cái tâm đó chính là cách đối nhân xử thế, là tấm lòng biết cảm thông, chia sẻ với đồng loại. Cái tâm đó chính là thái độ tôn trọng chính mình, thể hiện qua cách cư xử, qua các sản phẩm (cả vật chất lẫn tinh thần) của mình khi tiếp cận, giới thiệu với cộng đồng xã hội.

a
Các bị cáo của vụ án VN Pharma tại tòa. Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn

Thành tâm để thành công! Với nghề nghiệp, cái tâm càng đòi hỏi nhiều hơn nữa, đặc biệt là trong thời buổi kinh tế thị trường, thì cái tâm nghề nghiệp càng được coi trọng, nâng niu. Cái tâm của người thầy thuốc là biết đặt tính mạng của người bệnh lên trên hết. Cái tâm của người thầy giáo là sự mẫu mực, là trách nhiệm với thế hệ tương lai. Cái tâm của người làm báo là không bẻ cong ngòi bút trước những cám dỗ của đồng tiền…. Và cái tâm của nhà, sản xuất kinh doanh là tinh thần trách nhiệm với người tiêu dùng, chính xác hơn qua cái tâm thể hiện uy tín của nhà sản xuất, kinh doanh.

Vụ Công ty VN Pharma nhập thuốc trị ung thư kém chất lượng, “gây sốc” cho dư luận; cũng như nhiều vụ sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu giả bị phanh phui thời gian qua là một minh chứng về thái độ vô cảm của nhà sản xuất, kinh doanh với cộng đồng, xã hội; bởi đây đều là những mặt hàng nhạy cảm.

Ở một đất nước có hơn 80% dân số sống bằng nghề nông, thì không ít người trong số những doanh nghiệp thành đạt hiện nay có xuất thân từ nông thôn. Ai cũng hiểu rõ cái vất vả, một nắng hai sương của những người nông dân khi làm ra sản phẩm. Đặc biệt hơn trong thời buổi kinh tế thị trường, người nông dân đang phải loay hoay với bài toán “đầu vào - đầu ra”, đang phải “đau đầu” trong cơn bão giá, trong đó giá cả và chất lượng vật tư nông nghiệp đang là vấn đề khá nhạy cảm với người nông dân. Thì cần lắm một cái tâm của nhà sản xuất, kinh doanh đối với mặt hàng khá thiết yếu này, và cũng cần lắm cái tâm của các nhà quản lý trong việc làm sáng tỏ những vụ vi phạm, bảo vệ quyền lợi cho người dân.

Những vụ việc xem qua tưởng đơn giản, các cá nhân vi phạm đã ra tòa chịu án trước pháp luật; nhưng vẫn đọng lại nhiều câu hỏi về trách nhiệm quản lý, vấn đề  “lợi ích nhóm”, về cái tâm, về tình người trong mối quan hệ đồng bào. Và điều quan trọng hơn là lòng tin của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp chắc chắn sẽ lung lay; và suy nghĩ của người dân về các cơ quan quản lý cũng sẽ thay đổi qua cách chúng ta giải quyết vụ việc.

Một lần nào đó về những vùng quê khắc nghiệt, mới cảm thông được những khó khăn, vất vả của những nông dân nơi đây. Đa số các hộ canh tác đều sử dụng vốn vay, nên thất một vụ mùa thì gia đình càng thêm khốn đốn. Hãy một lần vào bệnh viện, để thấy những người kém may mắn từng giờ vật vã chống chọi với căn bệnh nan y, đang trông chờ những người thầy thuốc như một vị cứu tinh. Chúng ta sẽ rõ hơn hiệu ứng của cái tâm trong sản xuất kinh doanh, nhất là với những mặt hàng nhạy cảm.

Xã hội ngày một phát triển, đất nước đang trong giai đoạn hội nhập, những kiểu làm ăn không minh bạch, thiếu tinh thần trách nhiệm, chắc chắn sẽ không còn chổ đứng. Trình độ người tiêu dùng ngày một nâng cao, vì thế khi tung ra một sản phẩm nào thì các nhà sản xuất, kinh doanh phải cấc nhấc tính toán, bên cạnh lợi nhuận nên nghĩ đến khía cạnh đạo đức.

Và trong hành xử, giải quyết mọi vấn đề với những sản phẩm liên quan đến cộng đồng, thì ngay cả những người sản xuất lẫn những người có trách nhiệm “cầm cân nảy mực” vẫn cần lắm một chữ tâm.

 SƠN PHẠM
 

.
.
.