Sức bật mới cho Đồng bằng sông Cửu Long
Hội nghị Định hình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra trong hai này 26, 27-9 tại Cần Thơ với mục tiêu hiệu triệu các tư tưởng lớn giúp Chính phủ và các địa phương ĐBSCL xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn, nhằm phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến 2100. Đây được xem là hội nghị rất quan trọng nhằm tạo ra sức bật mới cho toàn vùng ĐBSCL.
Phát biểu tại buổi họp chuẩn bị cho hội nghị lần này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà một lần nữa nhấn mạnh đây là Hội nghị hết sức quan trọng có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển vùng ĐBSCL trong giai đoạn mới. Mô hình chuyển đổi, phát triển vùng ĐBSCL thành công sẽ là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu triển khai ở các vùng sinh thái khác trên cả nước và thế giới.
Cá tra xuất khẩu của ĐBSCL đạt khoảng 1 tấn/năm. |
Thực tế cho thấy vùng ĐBSCL đang và sẽ chịu các tác động của quá trình phát triển nội tại, của biến đổi khí hậu và các hoạt động của khu vực thượng nguồn. Những ưu thế về tự nhiên cho phát triển và đảm bảo cho sinh kế của người dân trước đây và hiện nay của vùng ĐBSCL sẽ thay đổi, làm thay đổi căn bản mô hình sản xuất, tập quán sinh hoạt của người dân trong vùng.
Trước bức tranh còn nhiều gam màu như thế, thông qua Hội nghị lần này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn sẽ xem xét một cách toàn diện, hệ thống, huy động được các sáng kiến, nhằm tạo ra những đột phá trong tư duy, thống nhất hành động của toàn xã hội nhằm định hình mô hình phát triển bền vững của ĐBSCL trong sự liên kết, gắn kết hữu cơ giữa tự nhiên và con người, giữa các địa phương trong và ngoài vùng, tiểu vùng sông MêKông. Đồng thời, huy động được sự hỗ trợ về kinh nghiệm, nguồn lực… của các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển cho chuyển đổi lớn vùng ĐBSCL.
Hội nghị lần này còn nhằm mục tiêu là nhận diện được các thách thức, dự báo sát các xu thế; đề xuất định hình mô hình phát triển, định hướng chuyển đổi lớn phù hợp với tập quán, con người và xu thế biến đổi của điều kiện tự nhiên.
Cùng với đó đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp đột phá, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư trong vào ngoài nước tham gia phát huy tiềm năng lợi thế, chuyển hóa thách thức thành cơ hội cho phát triển. Các đề xuất được đưa ra tại hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ đảm bảo tính khả thi, có tính chất liên vùng để trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL.
ĐBSCL đóng góp lượng trái cây xuất khẩu rất lớn. |
Bởi trên thực tế ai cũng biết rằng, ĐBSCL đóng vai trò rất quan trọng. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 4-2017, ĐBSCL đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% lượng thủy sản nuôi trồng, và 36,5% lượng trái cây cả nước.
Toàn vùng cung cấp 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, chiếm 20% thị phần gạo thương mại toàn cầu, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD năm 2016. Hầu như toàn bộ xuất khẩu cá tra đến từ ĐBSCL, với sản lượng cá tra hơn 1 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD năm 2016.
Sản xuất tôm của vùng chiếm 80% sản lượng, đóng góp 60% kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước, với kim ngạch xuất khẩu 3,15 tỷ USD năm 2016. Bên cạnh đó, xuất khẩu trái cây của đồng bằng tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian qua với kim ngạch từ khoảng 329 triệu lên khoảng 1,1 tỷ USD trong giai đoạn 2010 - 2016.
Và tất nhiên là dù chiếm giữ vị thế rất quan trọng, nhưng thực tiễn vừa qua cho thấy, ĐBSCL vẫn còn nhiều gam màu tối, nhất là trước thực trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và nhiều tác động khác làm cho ĐBSCL đứng trước thách thức không nhỏ.
ANH PHƯƠNG