Đánh thức Đồng Tháp Mười
Hội nghị kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh nằm trong khu vực Đồng Tháp Mười (gồm các tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang) vừa diễn ra tại tỉnh Đồng Tháp không nằm ngoài mục tiêu khai thác hiệu quả vùng đất đầy tiềm năng này.
Với diện tích rộng lớn chưa được khai phá triệt để, tiểu vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng. Chính vì thế, Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng ĐTM cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Đây là cơ hội mới để đánh thức vùng đất ĐTM, nơi mà nhiều người đã quen gọi là “con hổ ngủ”.
Những mầm xanh ở tiểu vùng Đồng Tháp Mười. |
Khi nhắc đến vùng ĐTM, chắc rằng nhiều người sẽ nghĩ đến những khắc họa của thi sĩ Nguyễn Bính: “Bảy trăm ngàn mẫu đất/ Sớt chia bốn tỉnh miền Nam/ Khắng khít biên thùy Chùa Tháp/ Nằm trong tay trái Cửu Long Giang/ Đồng Tháp Mười/ Đồng Tháp Mười/ Bao la bát ngát/ Bưng sậy lên hoang/ Mùa nắng đất khô cỏ cháy/ Mùa mưa nước ngập lan tràn/ Cò trắng ngàn năm bay chẳng dứt/ Chân trời bốn mặt rộng thênh thang…”.
Mỗi khi nhăc đến tiểu vùng ĐTM, nhiều người liên tưởng rằng đây không chỉ là căn cứ cách mạng của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc mà còn là nơi con người phải chiến đấu với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt để gầy dựng lên những mầm sống cho ngày hôm nay.
Bởi tiểu vùng ĐTM trước đây còn hoang sơ, dân cư thưa thớt. Mỗi năm có 6 tháng mùa nước nổi, cả vùng ngập chìm trong biển nước mênh mông. 6 tháng mùa khô hết sức khắc nghiệt, nắng nóng nung người, đất dậy phèn đỏ quạch, nước ngọt không đủ uống. Mãi đến 1976, chương trình điều tra cơ bản vùng Đồng bằng sông Cửu Long được triển khai thực hiện, đã đánh giá đúng thực trạng và tiềm năng của vùng ĐTM.
Công cuộc khai thác tiềm năng đất đai để phát triển nông, lâm, ngư nghiệp và cây công nghiệp phục vụ cho chế biến của gần 700.000 ha hoang hóa vùng ĐTM thuộc 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang chính thức được định hình.
Khoai mỡ được xem là cây trồng phù hợp với vùng đất phèn nặng Đồng Tháp Mười. |
Sau thời gian khai phá và phát triển, đến nay phần lớn diện tích đất hoang ngày nào của vùng ĐTM đã được cải tạo để phát triển sản xuất nông nghiệp, diện tích trồng lúa tăng từ 321.000 ha năm 1987 lên 609.000 ha năm 2010, hàng năm mang lại cho 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang gần 5 triệu tấn lúa. Tốc độ chuyển đổi cơ cấu kinh tế thời gian gần đây đã có những chuyển biến nhất định ở khu vực thị trấn, thị xã của vùng, đã tổ chức khai thác tài nguyên vùng lũ để phát triển kinh tế mùa nước nổi và nâng cao đời sống người dân.
Có thể nói rằng, tiểu vùng ĐTM đang đứng trước cơ hội lớn khi đề án liên kết với TP. Hồ Chí Minh được triển khai thực hiện. Bởi nếu xét trên yếu tố điều kiện tự nhiên, địa lý, tiểu vùng ĐTM có nhiều điểm thuận lợi để kết nối với TP. Hồ Chí Minh.
Điểm nhấn đầu tiên là trong vùng có 4 tuyến vận tải thủy liên tỉnh lên TP. Hồ Chí Minh, phương tiện vận tải thủy trên 100 tấn có thể đi qua, đồng thời 2 cảng sông lớn ở tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp cũng giúp cho việc lưu chuyển hàng hóa dễ dàng. Chưa kể trong vùng còn có Quốc lộ 30, Quốc lộ 62 và Quốc lộ 1A cũng sẽ góp phần đáng kể trong việc lưu chuyển hàng hóa cho người dân bằng đường bộ.
Tất nhiên, một khi liên kết với TP. Hồ Chí Minh, một đầu tàu kinh tế năng động nhất nước, tiểu vùng ĐTM sẽ được thúc đẩy, cộng hưởng, lan tỏa trên nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên, kết quả của đề án liên kết này cũng cần có thời gian để kiểm nghiệm.
Bởi nói như Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình: “Liên kết hỗ trợ, tạo điều kiện cùng nhau phát triển, xây dựng chuỗi ngành hàng thương hiệu, lúa gạo, trái cây, thủy sản. Liên kết phải đồng lòng, kỷ luật kỷ cương, đảm bảo thực hiện có hiệu quả chương trình đề án”. Đó cũng là những câu hỏi đang được đặt ra nhằm đánh thức đúng tiềm năng của “con hổ ngủ”.
ANH PHƯƠNG