Ngày Doanh nhân nghĩ về giá trị nguồn nhân lực
Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 hàng năm là dịp để tôn vinh doanh nghiệp (DN), doanh nhân vì những đóng góp của họ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương. Đây cũng là dịp để mỗi DN, doanh nhân soi rọi lại từng chiến lược kinh doanh, đầu tư mở rộng để thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường.
Điều có thể khẳng định ngay rằng, chưa bao giờ hoạt động của cộng đồng DN, doanh nhân được Đảng và Nhà nước quan tâm như hiện nay. Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-12-2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam ra đời được giới doanh nhân trông đợi như một sự khẳng định về định hướng phát triển DN trong thời kỳ mới, đáp ứng được những đòi hỏi cấp thiết đối với việc khẳng định vị thế, vai trò của đội ngũ doanh nhân và được xem là một cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước.
Ngày 13-10 hàng năm là dịp để tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu. |
Đặc biệt là gần đây Nghị quyết 35 của Chính phủ và Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy liên quan đến việc hỗ trợ và phát triển DN cũng đã được ban hành đã khẳng định vai trò quan trọng của DN trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội.
Đó thật sự là môi trường thuận lợi để mỗi DN, doanh nhân thực hiện những ý tưởng, dự án sản xuất - kinh doanh. Để cụ thể hóa chủ trương của Trung ương và Tỉnh ủy, mới đây UBND đã ban hành Kế hoạch hành động theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng DN và giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, địa phương.
Một trong những nội dung cốt lõi là tập trung thực hiện cải cách hành chính, thực hiện liên thông trong việc xử lý các thủ tục đầu tư, nghiên cứu đề xuất các chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư. Điều đặc biệt là UBND tỉnh giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai hoạt động Trung tâm hỗ trợ DN; thành lập Hội đồng khởi nghiệp, các Câu lạc bộ khởi nghiệp; xây dựng đề án hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình DN. Một trong những điểm sáng khác là trong thời gian qua thông qua các buổi đối thoại, tiếp xúc của lãnh đạo tỉnh với DN đã tạo ra luồng gió mới cho cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh.
Tất nhiên, nếu nhìn nhận một cách công bằng, bên cạnh môi trường, cơ chế chính sách còn là sự nỗ lực của chính DN, doanh nhân. Một điều chắc chắn rằng, là DN, doanh nhân ai cũng mong muốn làm giàu cho bản thân mình góp phần làm giàu cho đất nước. Chính vì vậy, mỗi DN, doanh nhân luôn nỗ lực phấn đấu, rèn luyện kỹ năng, chấp nhận vượt qua mọi gian lao thử thách trên con đường lập nghiệp nhằm đi đến thành công.
Tuy nhiên, đích đến của mỗi DN, doanh nhân là khác nhau, bởi thành công và thất bại luôn đi song hành. Thực tế cho thấy, ai có tư duy tốt, nắm bắt được cơ hội sẽ dễ thành công, nhưng không phải ai cũng làm được do chịu tác động của rất nhiều yếu tố. Bởi theo như nhận định gần đây của ông Trần Đỗ Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, cần nhìn nhận một thực tế là có đến 60-70% DN, doanh nhân nói chung có xuất phát từ “gốc lúa”, nghĩa là từ hộ kinh doanh cá thể nhưng nhờ may mắn, mạo hiểm và có cơ hội nên làm ăn khá lên. Từ thực tế “tay không bắt giặc này”, doanh nhân, DN hiện còn thiếu nhiều điểm cơ bản: Kiến thức cơ bản của hoạt động kinh tế, tầm nhìn chiến lược kinh doanh của DN, nhất là văn hóa doanh nhân…
Nguồn lực lao động được xem là tài sản quý của mỗi doanh nghiệp. |
Trong điều kiện nền kinh tế đang phát triển cả theo chiều rộng và chiều sâu như hiện nay thì doanh nhân, DN không được trang bị tốt thì dễ bị thất bại. Đặc biệt, nếu doanh nhân không được đào tạo cơ bản, không gặp cơ may trong kinh doanh dễ sinh ra các vần đề dẫn đến vi phạm pháp luật. Ngoài ra, doanh nhân hiện nay đang rất thiếu và yếu đội ngũ thương gia quốc tế. Hiện tại, chúng ta chỉ mới hình thành được đội ngũ doanh doanh xây dựng nên các nhà máy sản xuất mà chưa hình thành được đội ngũ buôn bán, xuất nhập khẩu mạnh, mang tầm quốc tế nên chưa khai thác tốt giá trị gia tăng của sản phẩm.
Còn theo đánh giá của các chuyên gia, trước đây những vấn đề quan tâm khi khởi sự DN là vốn, đất đai ở đâu? nhưng hiện nay quan tâm hàng đầu của DN là con người ở đâu và như thế nào? Yếu tố con người đã và đang trở thành tài sản quý giá nhất của mỗi quốc gia nói chung và mỗi DN nói riêng. Bởi nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại và phát triển lâu dài của quốc gia cũng như của DN đó.
Sau thời gian khủng hoảng kinh tế trước đây và sau hơn 10 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), hội nhập ngày càng sâu với kinh tế khu vực và thế giới, các DN cần nhận biết được những hạn chế, yếu kém trong nội tại DN của mình, để tiến hành các biện pháp cải cách về công nghệ, quản lý, tài chính nhất là nguồn nhân lực và tổ chức bộ máy để DN ngày càng lớn mạnh và có thể vươn ra “biển lớn”.
Nói như GS.TS Hồ Đức Hùng, DN cần xác định rõ nguồn nhân lực là một trong 3 yếu tố quan trọng tạo nên nguồn lực và quyết định đến thắng lợi cuối cùng của mỗi DN. Qua thời gian dài nhận thấy rằng, việc bỏ số tiền ra đào tạo nguồn nhân lực DN lại coi là một loại chi phí nhưng thực tế đây là một khoản đầu tư dài hạn. Khi DN chưa đánh giá đúng mức những hiệu quả mang lại do đào tạo và chưa thật sự xem nó là một giải pháp quan trọng thì rất khó mang lại hiệu quả an toàn và bền vững…
ANH PHƯƠNG