Thứ Sáu, 06/10/2017, 22:42 (GMT+7)
.

Nghĩ về tính nghiêm minh và sự gương mẫu trong Đảng

Kỷ luật của Bộ Chính trị  vừa công bố với Ban Thường vụ Thành ủy Đà nẵng; đặc biệt là kỷ luật của BCH Trung ương đối với Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh nhận được sự đồng tình trong toàn Đảng, toàn dân. Qua đó cho thấy tính nghiêm minh trong công tác xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên; và không có “vùng cấm” như tuyên bố của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

a
Sự nghiêm minh trong xử lý kỷ luật cán bộ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị , Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã tạo niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Trước đó, nhiều cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cũng đã bị xử lý, cho thấy tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, cũng như trước pháp luật. Đảng viên dù ở cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, và xử lý  nghiêm minh. Đây cũng là nguyên tắc đầu tiên trong kỷ luật đảng viên của Đảng ta.

Điều đó cho thấy những cụm từ thường thấy lâu nay trong đánh giá, nhận xét, kỷ luật cán bộ như "nể nang", "né tránh"  có lẽ giờ đây phải xem lại; cần thay vào đó là cụm từ “nghiêm minh”, “không khoan nhượng”, “không bao che”.

Tuy nhiên, vấn đề quan tâm gần đây là những đảng viên bị kỷ luật đều là những người đứng đầu, có người là lãnh đạo cấp cao của Đảng ta, có thành phần gia đình truyền thống, được đào tạo bài bản và kỳ vọng rất nhiều – những người lẽ ra phải là tấm gương, là hạt nhân cho sự sáng tạo đột phá; nhưng lại vi phạm kỷ luật Đảng và tự đánh mất mình. Vấn đề xuất phát từ đâu ?

Qua một số vụ việc cho thấy rằng chính việc vi phạm về nguyên tắc tập trung dân chủ của những người đứng đầu đã dẫn tới áp đặt, chuyên quyền và kéo theo hàng loạt các vi phạm, sai phạm khác. Cụ thể trong Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về trường hợp Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã nêu rõ: “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền. Những việc làm của đồng chí đã gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ Thành ủy”.

a
Ông Nguyễn Xuân Anh, một cán bộ lãnh đạo trẻ được kỳ vọng đã có nhiều sai phạm phải nhận kỷ luật của Đảng.

Rõ ràng vai trò của người đứng đầu của địa phương, cơ quan, đơn vị rất quan trọng. Song hiện nay, nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; dẫn đến nhiều sai phạm làm mất niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, dù dễ giám sát, phát hiện những sai phạm của các cán bộ, lãnh đạo. Thế nhưng, cấp ủy, cơ quan có thể đã thiếu tinh thần đấu tranh, phê bình, không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời; hoặc có tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên không dám đấu tranh vì sợ bị trù dập. Thậm chí có nơi cấp ủy gần như bị vô hiệu hóa, bởi người đứng đầu làm việc không nguyên tắc, độc đoán, chuyên quyền.

Vì lẽ đó, trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm về nêu gương luôn là một đòi hỏi tất yếu của người lãnh đạo. Đảng và Nhà nước cũng đã quy định rất rõ về vấn đề này; cụ thể,ngày 7-6-2012, Ban Bí thư đã ban hành Quy định 101 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Trong đó, nêu rõ, cán bộ có chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu.

Cuối năm 2016, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; một lần nữa cho thấy thực tế đang đòi hỏi rất cấp bách về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Vấn đề còn lại là sự tu dưỡng, nhận thức của từng đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu; và công tác tổ chức quy hoạch cán bộ, đặc biệt là với những cán bộ lãnh đạo, giữ những trọng trách. Nhiều vụ kỷ luật Đảng thời gian qua là một bài học khá đau lòng, nhưng cũng rất cần thiết cho công tác tổ chức cán bộ trong thời gian tới.

SƠN PHẠM

.
.
.