Hãy lái xe bằng cả trái tim
Ngày 27/10/2005, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chính thức công nhận và chọn ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm là Ngày Thế giới Tưởng niệm nạn nhân giao thông đường bộ trên toàn thế giới.
Ngày này được xem như một thông điệp chung cho toàn cầu để cải thiện an toàn giao thông. Đây cũng là cơ hội nhằm thu hút sự chú ý của cả cộng đồng đến những tổn thất to lớn về tinh thần và kinh tế do tai nạn giao thông (TNGT) gây ra, tưởng nhớ các nạn nhân TNGT và vinh danh các dịch vụ cứu hộ và hỗ trợ
Tại Việt Nam, lần đầu tiên Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia phát động kế hoạch hưởng ứng ngày này vào 19/11/2012 và đến năm 2013 thì được tổ chức thường niên trong phạm vi cả nước; nhằm cảnh báo xã hội về thảm họa TNGT, đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phòng tránh TNGT, cũng như cầu siêu cho những người đã mất.
Năm nay, 2017, Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT sẽ là ngày Chủ nhật 19-11.
Có thể thấy TNGT đã và đang là vấn đề toàn cầu. Nhưng theo thống kê, Việt Nam là quốc gia có số người tử vong vì TNGT hàng đầu thế giới. Từ lâu, TNGT đã trở thành một vấn nạn tại Việt Nam, tạo gánh nặng rất lớn cho xã hội; mỗi ngày trôi qua nước ta có 25 người chết, 70 người tàn phế suốt đời vì TNGT. Một con số nhức nhối.
Đã có nhiều lý do được đưa ra, đã có nhiều giải pháp để kềm giảm số vụ TNGT, nhưng kết quả vẫn chưa như mong đợi. Lý giải cho việc kém hiệu quả này có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan; nhưng vượt lên tất cả vẫn là ý thức của người tham gia giao thông đối với cộng đồng xã hội.
Bởi những nguyên nhân như hạ tầng giao thông còn kém, lượng xe quá tải...rồi đây theo sự phát triển của đất nước sẽ được cải thiện; nhưng ý thức con người liệu có chuyển biến theo không ? Tuân thủ luật khi tham gia giao thông, ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông là hai vấn đề cốt lõi để hạn chế những mất mát đáng tiếc do TNGT gây ra.
Đau xót về TNGT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu: Hãy vì niềm xót thương những người đã mất, mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống.... Hãy sống có ý thức, trách nhiệm với bản thân, gia đình để những tai nạn thương tâm không bao giờ còn xảy ra.
Gần đây trên kênh giao thông của Đài tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh có một khẩu hiệu rất nhân văn: Phía trước tay lái là sự sống, hãy lái xe bằng cả trái tim. Và trên xe, truớc mặt của nhiều bác tài đường dài đều có dòng chữ " Hãy lái xe bằng cả trái tim " như nhắc nhỡ những người cầm lái về ý thức, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Hy vọng rằng đây không phải là khẩu hiệu suông, chạy theo " phong trào" của các tài xế, nhà xe; mà thật sự là một mệnh lệnh, mệnh lệnh của trái tim, của lương tâm con người trước những nỗi đau của đồng bào.
Tiếc thương những người đã ra đi, vì sự an toàn cho những người ở lại, hãy lái xe bằng cả trái tim.
SƠN PHẠM