Thứ Ba, 23/04/2019, 21:30 (GMT+7)
.

Câu chuyện cây ăn trái

(ABO) Người dân đổ xô chuyển đổi diện tích nông nghiệp sang trồng cây ăn trái đang trở nên đề tài nóng bỏng không chỉ đối với Tiền Giang mà còn cả các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dù hiện có những nhìn nhận, đánh giá khác nhau nhưng nhìn chung việc chuyển đổi cũng xuất phát từ những giá trị lợi ích mang lại. Nhưng một điều chắc chắn rằng, đây không còn là câu chuyện mới của ngành Nông nghiệp.

BÀI 1: Đâu chỉ có mít Thái

Câu chuyện của ngành Nông nghiệp thời gian qua được “xới đi xới lại” phần lớn có liên quan đến việc tăng nhanh diện tích cây ăn trái. Nhưng dường như câu chuyện chưa hẳn chỉ xoay quanh mít Thái mà còn đối với nhiều loại cây trồng khác…

1. Việc tăng nhanh diện tích cây ăn trái thời gian qua chắc chắn cần được đánh giá một cách khoa học, bài bản của các nhà chuyên môn, của ngành Nông nghiệp dựa trên nhiều yếu tố tác động khác nhau. Chúng ta chưa thể đánh giá việc tăng nhanh diện tích cây ăn trái là lợi hay hại, nhưng ít nhiều sự gia tăng mang tính đột biến cũng được sự quan tâm của rất nhiều người.

Mít Thái
Mít Thái đang phát triển nhanh.

Chỉ nhìn vào thực tế vừa qua, dường như mít Thái, hay còn gọi là mít siêu sớm, đang trở thành “hiện tượng” mới của ngành Nông nghiệp. Bởi giờ đây nếu có dịp về vùng nông thôn, câu chuyện trồng mít Thái được bà con nông dân “bàn tới bàn lui”.

Như một điều hiển nhiên, điểm dừng cuối cùng của câu chuyện vẫn là mong muốn chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp để trồng mít Thái nếu có thể. Và cứ thế, diện tích trồng mít Thái cứ “lù lù” mọc lên, dù được khuyến cáo hay không.

Chúng tôi chưa có con số một cách chính xác về diện tích trồng mít Thái của Tiền Giang đến thời điểm hiện tại nhưng chỉ điểm qua một số huyện đang “nổi lên” cũng phần nào cho thấy được thực trạng hiện nay. Đó là huyện Cai Lậy, huyện Tân Phước và mới đây là một số diện tích đất nông nghiệp thuộc huyện Chợ Gạo…

Là một trong những địa phương trọng điểm cây ăn trái của tỉnh, huyện Cai Lậy vốn được xem là thủ phủ của sầu riêng, tập trung ở các xã vùng ven tuyến sông Tiền nhưng nay cây mít Thái cũng đã có phần lấn dần và chủ yếu lấn sang phía Bắc Quốc lộ 1. Khá nhiều diện tích trồng lúa đã được người dân lên liếp trồng mít Thái.

Biểu đồ diện tích cây ăn trái của Tiền Giang qua các năm (ĐVT: ha)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Một minh chứng để cho thấy rằng, chỉ trong năm 2018, người dân xã Phú Nhuận đã chuyển đổi khoảng 20 ha đất, trong đó chủ yếu là đất trồng lúa, sang cây mít Thái. Còn nếu tính chung toàn huyện Cai Lậy, chỉ sau một ít năm đã có khoảng 2.000 ha trồng chuyên canh và xen canh cây mít Thái… Câu chuyện cây mít Thái lấn dần cánh đồng lúa hay chuyển đổi từ các loại cây ăn trái khác chắc còn tiếp diễn trong những ngày tới.

Nhưng câu chuyện về cây mít Thái gần đây lại được nổi lên nhiều hơn ở huyện Tân Phước. Chỉ trong thời gian rất ngắn, với truyền thống trồng khóm, lúa, khoai… huyện Tân Phước hiện đã có xấp xỉ 400 ha trồng mít Thái.

Điều đáng chú ý là hiện có 13/13 xã của huyện đều xuất hiện diện tích trồng mít Thái, xã trồng nhiều nhất là Tân Lập 1 với 116 ha, tiếp đến là xã Phước Lập với gần 67 ha, Thạnh Tân 61 ha… Dù diện tích trồng cây trái nói chung, mít Thái nói riêng có dấu hiệu tăng nóng nhưng dường như lãnh đạo địa phương cũng rất khó “ngăn chặn” được dòng chảy này.

Nói như Bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa Đông Lê Hà Tây, xã cũng rất lúng túng khi định hướng chuyển đổi cây trồng cho người dân, bởi phần lớn việc chuyển đổi là do hiệu quả kinh tế của từng loại cây trồng mang lại và nó gắn chặt với đời sống của người dân. Tất nhiên, câu chuyện về cây mít Thái chắc chắn sẽ không dừng lại trên địa bàn huyện Tân Phước nói riêng và trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói chung.

2. Cũng cần phải khẳng định rằng, mít Thái là "hiện tượng mới" của ngành Nông nghiệp Tiền Giang, nhưng chưa phải là cá biệt. Bởi suy cho cùng, thanh long, sầu riêng, bưởi da xanh… cũng đang là câu chuyện nóng bỏng của ngành Nông nghiệp, khi diện tích trồng các loại cây ăn trái này cũng đang tăng rất nhanh trong thời gian gần đây.

Đáng chú ý nhất là thanh long. Thanh long cũng được xem là hiện tượng của ngành Nông nghiệp Tiền Giang khi diện tích không ngừng tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại, tập trung nhiều nhất ở huyện Chợ Gạo, Tân Phước, Gò Công Tây và Gò Công Đông.

Một điều chắc chắn rằng trên vùng đất mới, với diện tích lớn chưa được khai thác như huyện Tân Phước được dự báo là mảnh đất màu mỡ cho thanh long trong thời gian gần nhất. Bởi những ai có dịp về huyện Tân Phước những ngày gần đây cũng sẽ dễ dàng cảm nhận được những cánh đồng thanh long bạt ngàn, trĩu quả trên vùng đất vốn nhiều năm trước chung sống với lũ, với phèn.

Thanh long
Diện tích trồng thanh long cũng đã tăng nhanh chóng.

Vậy là, chỉ sau một vài năm, tính đến cuối tháng 3-2019, vùng đất Tân Phước đã có khoảng 950 ha trồng thanh long và chỉ trong vòng 1 năm trên vùng đất này đã tăng gần 450 ha. Còn nếu soi vào Đề án Phát triển cây thanh long của tỉnh, huyện Tân Phước đã vượt xa kế hoạch (kế hoạch đến năm 2020 huyện Tân Phước có khoảng 600 ha thanh long) và theo dự kiến đến năm 2020 địa phương này có ít nhất 1.000 ha trồng thanh long.

Đáng chú ý là một số xã của huyện Tân Phước có diện tích trồng thanh long tăng rất nhanh như: Tân Lập 1 hiện có 283 ha, Hưng Thạnh 131 ha, Thạnh Tân có hơn 120 ha… Một điều cũng rất đương nhiên là vùng trọng điểm trồng thanh long của Tiền Giang những năm qua là huyện Chợ Gạo, diện tích trồng thanh long gần đây cũng tăng rất nhanh, hiện đã đạt hơn 5.500 ha và đang dần được mở rộng sang các vùng phụ cận.

Bức tranh chung của ĐBSCL

Câu chuyện tăng diện tích cây ăn trái không chỉ riêng đối với Tiền Giang mà là xu hướng chung của các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và trên phạm vi cả nước. Thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tốc độ tăng trưởng diện tích cây ăn trái bình quân cả nước từ năm 2013 đến năm 2018 là 4,2%/năm. Riêng miền Nam hiện có 14 loại trái cây có diện tích lớn (trên 10.000 ha/loại), đáng chú ý là xoài với khoảng 80.000 ha, chuối 78.000 ha, thanh long 53.000 ha, bưởi 44.000 ha, mít 20.000 ha… Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trồng cây ăn trái chủ lực, chiếm khoảng 58% diện tích cây ăn trái toàn miền Nam.

Câu chuyện tăng diện tích trồng cây ăn trái chưa dừng lại ở mít Thái hay thanh long mà còn đối với cả sầu riêng, bưởi da xanh…. Ước tính sơ bộ của ngành Nông nghiệp Tiền Giang cũng cho thấy những con số đáng được quan tâm.

Nếu như vào năm 2013, Tiền Giang chỉ có 7.376 ha trồng sầu riêng, đến cuối năm 2018 đã lên đến 12.114 ha. Tương tự như thế, bưởi cũng đang có dấu hiệu tăng nóng, khi năm 2013 chỉ đạt 4.395 ha, đến cuối năm 2018 đã tăng lên 4.782 ha…

Nhìn vào con số thống kê của ngành Nông nghiệp đến cuối năm 2018 mới thấy rằng, tổng diện tích trồng cây ăn trái của Tiền Giang tăng khá nhanh trong 5 năm gần đây. Nếu như vào năm 2013, Tiền Giang có 68.734 ha trồng cây ăn trái, đến cuối năm 2018 tăng thêm khoảng 9.000 ha, đạt khoảng 77.740 ha.

Tăng trưởng đáng chú ý nhất là thanh long, với diện tích tăng thêm khoảng 4.773 ha, sầu riêng tăng khoảng 4.738 ha và bưởi tăng 387 ha... Tuy nhiên, trong số liệu thống kê hiện nay vẫn chưa thấy con số chính xác người dân trồng mít Thái, mặc dù loại cây này đang là câu chuyện khá nóng của ngành Nông nghiệp…

A.P

 (Còn tiếp)

.
.
.