Thứ Hai, 13/05/2019, 08:55 (GMT+7)
.

Ngăn chặn thói nịnh bợ, liệu có dễ?

(ABO) Bộ Nội vụ vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng về đề án Văn hóa công vụ; với mục tiêu là góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, xã hội. Qua đó, cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng một nền hành chính “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo".

Ở đề án này, nội dung "..với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng" được sự quan tâm đặc biệt của dư luận; bởi từ lâu thói nịnh nợ đã trở nên phổ biến, khiến bộ máy hành chính hoạt động kém hiệu quả; và nó cũng là nguyên nhân của thói quan liêu cùng nhiều hệ lụy khác.

Xu nịnh là một “thói quen” thuộc phạm trù đạo đức đã có từ xa xưa, tuy không lây nhiễm vì còn tùy thuộc nhân cách từng người, nhưng thời nào và nơi nào cũng có. Và rõ ràng còn có kẻ xu nịnh khi có những người thích nịnh. Nói cách khác, căn bệnh “nịnh bợ” chỉ có thể tồn tại khi chúng có môi trường sống.

Vì vậy để trị tận gốc căn bệnh này, thì cơ bản vẫn là tư cách đạo đức, sự chuẩn mực của người đứng đầu. Bởi khi người đứng đầu thật sự “công minh, liêm chính” và thật sự hiểu câu: "Người chê ta mà chê đúng là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, người nịnh ta là kẻ hại ta " thì thói nịnh bợ hay những biểu hiện tiêu cực khác sẽ không có điều kiện phát triển.

Qua đó cho thấy công tác cán bộ rất quan trọng, làm sao để qui hoạch, đề bạt cán bộ xứng tầm, có đủ đức tài; thực sự là tấm gương cho cấp dưới trong ứng xử, trong quan hệ làm việc là vấn đề quan trọng đặt ra.

Mặt khác, việc đưa một nội dung có yếu tố định tính vào một văn bản hành chính và thiếu các yếu tố định lượng để giúp nhận diện thế nào là “nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng” sẽ rất khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát, đánh giá và xử lý. Rõ ràng để xác định hành vi không trong sáng khi "nịnh sếp" là việc không hề đơn giản.

Về vấn đề này, các chuyên gia cũng cho rằng: Quy định công chức không được nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng có trong Đề án văn hóa công vụ không dễ gì luật hóa được, vì nội dung này mang tính chất hành vi. Thể chế hóa quy định về một hành vi để áp dụng thành luật thì khó có thể thực hiện được.

DS








 

.
.
.