Trăn trở hạt gạo Việt Nam
Tổ chức chuyên phân tích và đánh giá công nghiệp - thương mại lúa gạo The Rice Trader của Mỹ vừa qua đã công bố loại gạo ST25 của Việt Nam đoạt giải gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi thường niên lần thứ 11, The World’s Best Rice.
Lần đầu tiên, một loại gạo Việt Nam đã vượt qua gạo của “cường quốc” sản xuất gạo như Thái Lan... Tuy nhiên, có một điều trăn trở là gạo và nhiều loại nông sản khác của Việt Nam vẫn chưa đạt được vị trí cao trên thị trường nông sản thế giới. Vì sao vậy?
Làm sao để nâng được giá trị cao cho hạt lúa Việt Nam trên thị trường quốc tế? Ảnh minh họa Lê Anh Tuấn |
Gạo Việt Nam “xuất ngoại” từ rất sớm
Có lẽ ai cũng thừa nhận rằng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đồng thời xuất khẩu ra thị trường thế giới. Trong các quốc gia vùng Đông Nam Á, Việt Nam là nước đầu tiên đưa hạt gạo của mình ra thế giới từ giữa thế kỷ thứ 19 và là nước đầu tiên có những công ty nước ngoài vào đầu tư trong lĩnh vực xay xát lúa gạo (theo tư liệu của Phòng thương mại Sài Gòn - Bulletin de la Chambre de commerce de Saigon).
Từ năm 1860, vùng Nam Kỳ đã xuất cảng hơn 53.000 tấn gạo. Chín năm sau, năm 1869, một thương gia người Mỹ tên là Andrew Spooner đã xây dựng nhà máy xay xát lúa tại Sài Gòn - Chợ Lớn, lúa gạo từ miền Tây được đưa lên Sài Gòn qua kênh Chợ Gạo. Tiếp theo là hàng loạt nhà máy và xí nghiệp mễ cốc ra đời như Công ty Rizerie à Vapeur, Công ty Rizerie Saigonnaise có cơ sở đặt dọc theo hai bên bờ rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hũ.
Năm 1910, Hiệp hội Lúa gạo Viễn Đông được thành lập tại Sài Gòn như là một tổ chức thương nghiệp đầu tiên về ngành lúa gạo ở Việt Nam và vùng Đông Nam Á. Năm 1940, Việt Nam đã chính thức thành một cường quốc xuất cảng gạo với số lượng hơn 1,4 triệu tấn, mang lại ngoại tệ cho chính quyền cai trị Pháp lúc đó là 140 triệu francs, tương đương khoảng 10 triệu đồng tiền Đông Dương. Sau đó, do những biến động chính trị và chiến tranh, lượng gạo xuất cảng của Việt Nam dần dần bị giảm đi.
Năm 1989, Việt Nam trở lại là quốc gia xuất khẩu gạo với mức xuất lúc đó là 1,37 triệu tấn và gia tăng dần lên. Những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam duy trì mức thu hoạch được trên 42-43 triệu tấn lúa và bán ra thị trường quốc tế khoảng 7-8 triệu tấn gạo.
Còn đó những nghịch lý
Có một điều nghịch lý là dù sản lượng gạo Việt Nam cao, nhưng giá bán lại khá thấp, phổ biến là 400-500 đô la Mỹ/tấn cho loại 5% tấm và 360-450 đô la Mỹ/tấn cho loại 25% tấm; giá bán thay đổi theo thị trường và nơi tiêu thụ.
Trong ba quốc gia hàng đầu về chất lượng gạo với các giống lúa thơm như ST24/ST25 của Việt Nam, Thai Hom Mali của Thái Lan, Cambodia Jasmine của Campuchia, thì giá bán gạo của Việt Nam là thấp nhất. Giá bán gạo đặc sản chất lượng cao nhất của Việt Nam là 750-800 đô la Mỹ/tấn, trong khi đó gạo thơm của Campuchia là 890-900 đô la/tấn, gạo thơm của Thái Lan là 1.100-1.200 đô la/tấn. Các loại gạo trắng thường khác, qua thống kê cũng cho thấy giá gạo Việt Nam vẫn thấp hơn (bảng 1).
Một số gia đình khá giả ở Việt Nam đang có xu hướng thích mua gạo Campuchia về ăn hơn là mua gạo Việt. Điều này không hẳn do tâm lý “vọng ngoại” mà là họ tin gạo Campuchia sạch.
Một nghịch lý nữa, Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia Madrid Agreement Concerning the International Registration of Marks (Thỏa thuận Madrid liên quan đến đăng ký nhãn hiệu quốc tế) vào năm 1949, khá sớm so với Campuchia và Thái Lan. Thế nhưng, mãi đến năm 2019 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới công bố logo thương hiệu gạo Việt Nam và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (World Intellectual Property Organization - WIPO) cấp mã số đăng ký quốc tế theo Hệ thống đăng ký quốc tế (Madrid system).
Sự chậm trễ này và các chính sách gò bó, nhiêu khê khác khiến Việt Nam mất đi nhiều lợi thế về giá trên thị trường lúa gạo thế giới. Đây là trách nhiệm chính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương. Vai trò của tư nhân trong việc lai tạo ra những giống lúa ngon có chất lượng và chủ động xuất khẩu bị nhiều ràng buộc, hạn chế, khiến chính nông dân Việt Nam thua thiệt.
Nâng vai trò nông dân như các “doanh nhân nông nghiệp”
Trên thị trường tiêu thụ gạo của thế giới, cứ 5 chén cơm thì có 1 chén được nông dân vùng ĐBSCL sản xuất ra. Điều trăn trở là chén cơm Việt Nam vẫn là chén cơm giá thấp khiến nông dân không thể khá lên được trong khi công sức đầu tư bỏ ra quá nhiều, cùng với việc tận dụng quá mức các nguồn tài nguyên đất và nước, chưa kể sức khỏe và sự an toàn của nông dân.
Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm gạo của mình như một nông sản sạch và an toàn mà Thái Lan và Campuchia vẫn thường nhấn mạnh về sản phẩm gạo của họ. Vùng ĐBSCL phải hướng về một diện tích sản xuất gạo ít hơn, ít sử dụng phân bón hóa học và các loại nông dược khác, giữ được chất lượng và tính hữu cơ cao hơn. Nhà nước cần có những định hướng chính sách thông thoáng và bỏ bớt quyền hạn cũng như ưu đãi cho các công ty lúa gạo quốc doanh làm ăn thiếu linh hoạt và thua lỗ.
Vai trò của tư nhân và cộng đồng nông dân như là các “doanh nhân nông nghiệp” là một hướng đi phù hợp. Công trình tạo ra giống lúa thơm đặc sản, được đánh giá là ngon nhất thế giới năm 2019, của kỹ sư - nông dân Hồ Quang Cua và các cộng sự rất đáng biểu dương.
Tuy vậy, cũng nên đặt ra câu hỏi là vì sao thành tích này không được xác lập ở nhiều viện, trung tâm nghiên cứu và thực nghiệm lớn trải dài từ Bắc xuống Nam. Các cơ sở này tập hợp nhiều nhà nghiên cứu cao cấp, hàng năm nhận được nhiều tiền từ ngân sách nhà nước để tập trung nghiên cứu các giống lúa, nhưng vẫn chưa nâng đáng kể được giá trị cao cho hạt lúa Việt Nam trên thị trường quốc tế?
(Theo thesaigontimes.vn)