Bất an từ sự nông nổi và liều lĩnh
Bên lề chuyện bắt nghi phạm ở huyện Củ Chi và tình hình ứng phó trước dịch bệnh, nhiều người không khỏi thở dài trước câu chuyện tò mò và câu view thái quá của một số bạn trẻ.
Câu chuyện bắt nghi phạm giết người ở huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) trong mấy ngày qua gây xôn xao dư luận, bởi tội phạm nguy hiểm và có vũ khí. Điều đáng nói là sự hiếu kỳ của đám đông, mà trong đó không thiếu những gương mặt trẻ đã tụ tập theo dõi, bất chấp nguy hiểm và lời cảnh báo từ phía các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ tại hiện trường.
Mặc kệ cảnh báo nguy hiểm từ các lực lượng chức năng, nhiều bạn trẻ vẫn tụ tập coi bắt nghi phạm ở Củ Chi. Ảnh: QUANG LIÊM |
Chỉ vì thỏa mãn tính tò mò
Cả tuần nay, đám đông hiếu kỳ vẫn không giải tán khỏi nơi phong tỏa, nhiều bạn trẻ tay cầm sẵn điện thoại để quay phim, chụp ảnh, thậm chí phát trực tiếp lên mạng xã hội.
“Mấy khi mới có, không coi thì đợi chừng nào”, N.T.H (25 tuổi, ngụ quận 8) buông lời khi có người nhắc nhở. Theo dõi tin tức qua mạng xã hội, từ quận 8, H. rủ bạn phi xe lên tận Củ Chi để xem và phát trực tiếp lên mạng xã hội. “Giờ người ta chỉ theo dõi vụ này thôi, phát lên đi đảm bảo với mày là like khỏi chê”, V.T (24 tuổi, ngụ quận 8) đi cùng H., nói. Hai bạn trẻ cố chen vào vị trí gần với hiện trường nhất, người quay phim, kẻ bàn tán, một cảnh tượng ồn ào, chen chúc.
Trong đám đông đó, K.A (21 tuổi, ngụ Gò Vấp) liên tục giục người bạn đi cùng: “Ê qua bên này nhiều công an nè mày”, cả hai cố chen vào vị trí có nhiều công an đang làm nhiệm vụ để quay phim. T.Ơ. (22 tuổi, ngụ Gò Vấp) đi cùng với K.A, tay cầm điện thoại đang phát trực tiếp lên mạng xã hội, miệng không ngớt lời giới thiệu như phim hành động ăn khách: “Cảnh sát đang vào vị trí, chuẩn bị bắt nha mọi người”, “Sắp tóm được hung thủ”, “Mọi người tập trung theo dõi livestream của mình nha, còn hơn phim hành động”… Hơn 20 phút phát trực tiếp, 2 bạn trẻ háo hức kháo nhau: “Lượt xem đông dữ dội mày”, “Thì tin hot mà”.
Khi hỏi về chuyện lo cho an toàn của bản thân, T.Ơ vô tư đáp: “Thấy có nguy hiểm gì đâu, có nhiều anh công an, tội phạm có ra cũng không dám làm gì mình”.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng ban hành chỉ thị chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động đàm phán với Facebook và Google, yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ các video clip, thông tin sai sự thật về dịch bệnh, các tài khoản giả mạo đưa tin không đúng sự thật. Phát động chiến dịch đồng bộ gắn hashtag #ICT_anti_nCoV, thống nhất mẫu biểu trưng cho chiến dịch “Cộng đồng công nghệ số Việt Nam phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra”.
|
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của nCoV bùng phát, những lời cảnh báo cũng như hướng dẫn phòng tránh dịch được phát đi trên toàn thế giới. Cùng lúc, mạng xã hội ồ ạt hàng loạt thông tin về số người nhiễm virus. Những con số từ vài chục rồi đến vài trăm người nhiễm bệnh và tử vong, những lời phán về ngày tận thế vì đại dịch đang xảy ra, phun thuốc chống virus trên toàn bầu trời… Tốc độ lan truyền của những fake news (tin giả) này khiến nhiều người hoang mang và nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội.
Không ít người bức xúc bày tỏ: “Tôi có theo dõi tin trên báo, họ cập nhật trong nước đã có ca nhiễm bệnh, nhưng trên mạng xã hội thì hết người này đến người kia đưa tin cả trăm người bệnh rồi tử vong. Bệnh dịch không biết tới đâu, chứ thấy Facebook thành ổ dịch trước rồi đó”, Mai Trúc Phương (25 tuổi, nhân viên ngân hàng tại quận 1, TP. HCM) cho hay.
Để tờ báo giấy xuống bàn, cô Hồ Kim Hai (45 tuổi, ngụ quận 8, TP. HCM) lo lắng: “Coi trên mạng riết rồi không biết ai thật, ai giả mà lần, gần cả tuần nay ngày nào ông nhà tui cũng phải mua báo giấy, tin tức trên này mới tin được, có cơ quan, tòa soạn rõ ràng, chứ không phải mạnh ai muốn nói gì nói như trên mạng. Đọc tin thấy nhiều người tung tin giả về dịch bệnh trên mạng bị phạt, tôi cũng sợ tụi nhỏ trong nhà bộp chộp, bắt chước người ta đăng hoặc chia sẻ mấy tin không đúng, nên coi báo giấy mỗi ngày rồi nhắc chừng tụi nó”.
Bên lề chuyện bắt nghi phạm ở huyện Củ Chi và tình hình ứng phó trước dịch bệnh, nhiều người không khỏi thở dài trước câu chuyện tò mò và câu view thái quá của một số bạn trẻ.
Thanh niên 29 tuổi vượt 60km, từ Đồng Nai đến Củ Chi để xem bắt nghi phạm; hai vợ chồng từ Vĩnh Long mất 2 ngày để đến Củ Chi (vì đi lạc) để xem tường tận cuộc vây bắt… Phải chăng người trẻ quá rảnh rỗi và những nút like trên mạng xã hội quyền lực đến mức khiến họ phải bất chấp tất cả, tung tin đồn thất thiệt?
Mọi sai lầm điều phải trả giá, 2 cô gái trẻ 21 và 25 tuổi ở Thanh Hóa bị xử phạt vì tung tin giả về dịch bệnh để câu view; V.Q.M (25 tuổi) cũng đã bị Công an TP. Bắc Ninh xử phạt 12,5 triệu đồng vì tung tin thất thiệt về dịch bệnh để tăng tương tác bán hàng online... Và hiện tại, các cơ quan chức năng đang rà soát và lập danh sách những trường hợp YouTuber, Facebooker quay phim, livestream không đúng sự thật, gây khó khăn cho lực lượng truy bắt nghi phạm trong mấy ngày qua, để xử lý theo quy định.
(Theo sggp.org.vn)