Thứ Bảy, 01/02/2020, 08:20 (GMT+7)
.

Chuyện "Sơn Tinh, Thủy Tinh" thời nay

Không biết ông bà ngày xưa có ngụ ý gì mà đặt ra chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh, là: “Vua Hùng muốn gả công chúa, nhưng hai người cầu hôn là Sơn Tinh và Thủy Tinh đều giàu có và tài năng ngang nhau.
Vì vậy, hẹn sáng mai, ai mang sính lễ đến trước thì vua sẽ gả con. Sơn Tinh đến trước nên cưới được công chúa làm vợ, còn Thủy Tinh đến trễ, nên tức giận làm bão tố ầm ầm, nước dâng ngập lụt. Nhưng Sơn Tinh tài giỏi hơn, hễ nước dâng đến đâu thì làm mặt đất cao đến đó, nên không hề hấn gì”.

Nhìn lại những gì đã và đang xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong gần nửa thế kỷ qua, sao giống y hệt chuyện cổ tích ngày xưa. Chỉ có điều là con cháu Sơn Tinh ngày nay không có vẻ gì oai phong lẫm liệt như tổ tiên họ trong chuyện cổ tích, mà ngược lại là họ cứ bị thua xiểng niểng Thủy Tinh, hết phen này đến phen khác mới lạ!

Nói cho đúng thì hậu duệ của Sơn Tinh trước thập niên 60 vẫn còn oai phong lắm. Mặc dù năm nào Thủy Tinh cũng “mần” te tua: Ở miệt bưng, miệt ruộng thì có nơi nước ngập sâu ba bốn mét, mọi người tự cảnh báo với nhau là “rằm tháng Bảy (Âm lịch) nước nhảy khỏi bờ”, miệt vườn thì “năm Thìn bão lụt”, và miệt biển thì “năm nhuần, tháng hạn”.

Dĩ nhiên là họ chiến đấu với Thủy Tinh không mệt mỏi năm này qua năm khác, kéo dài hàng trăm năm qua, cũng để giữ cho được “nàng công chúa” ở đây chính là cây lúa.

Điều lý thú nhất là việc họ đặt tên cho các giống lúa, y hệt như tên vợ của mình, như: Giống với hạt có đuôi dài thì gọi là Nàng Chệt, hạt có đuôi nhưng ngắn hơn là Nàng Chệt Cụt, hạt có đuôi cong thì gọi Nàng Quớt, hay hạt có màu xẩm đen thì gọi là Nàng Chô, còn giống có mùi thì là Nàng Thơm, Nàng Hương...

Dù chỉ trồng lúa hay cây ăn trái, thì hậu duệ Sơn Tinh chưa bao giờ tìm cách ngăn chặn dòng nước, ngọt cũng như mặn.

Bởi vì họ hiểu dòng nước đó sẽ mang đi chất phèn mặn, mang đến tôm cá và đặc biệt là nguồn phù sa dồi dào hàng năm, vừa bồi bổ thêm dinh dưỡng tự nhiên, vừa nâng dần mặt đất lên mỗi năm thêm ba bốn phân.

Có tất cả khoảng bốn ngàn giống lúa như vậy ở ĐBSCL. Ở miệt bưng, nơi đó vào mùa mưa nước dâng cao cả gang tay một đêm như ở vùng Đồng Tháp Mười hay Tứ giác Long Xuyên thì có các giống lúa mùa nổi.

Hạt lúa giống được gieo lúc đất còn khô, để khi có mưa thì hạt lúa nẩy mầm, rễ ăn sâu vào trong đất, rồi khi nước đổ về thì cứ nước dâng tới đâu thì cây lúa ngoi lên tới đó, đến khi nước rút đi thì cây lúa dài đến ba bốn mét nằm rạp trên mặt đất và mỗi mắt lên một hai chồi mới để rồi sau đó các chồi này ra hoa kết hạt.

Miệt ruộng thì chỗ đất gò áp dụng kỹ thuật gieo mạ và cấy; chỗ đất lung thì sử dụng kỹ thuật cấy hai lần. Đầu tiên mạ được tỉa trên liếp cạn, rồi nhổ cấy xuống nước lần thứ nhất gọi là cấy giăm, sau đó mới bứng lên (bứng lúa cây) và đem cấy ra ruộng lần thứ hai.

Mục đích chính của việc cấy hai lần là làm cho cây mạ (lúa cây) cao giàn và cứng cáp hơn nhằm thích nghi với lớp nước trên ruộng lúc này đã sâu gần cả mét.

Miệt biển thì chỗ đất gò áp dụng kỹ thuật cày ải và sạ khô để tận dụng nước mưa, chỗ đất trũng thì kê liếp gieo mạ và cấy, nhưng có lẽ độc đáo nhất là mô hình lúa - tôm. Trong mùa khô thì cho nước biển vào ruộng, mang theo tôm cá và kết hợp để ém phèn, đến mùa mưa thì gieo mạ trên bờ, chờ nước mưa rửa hết mặn trong ruộng thì nhổ mạ cấy, sống hài hòa giữa hai nguồn nước mặn và nước ngọt.

Riêng miệt vườn thì không trồng lúa, đất được lên liếp, trồng toàn cây ăn trái. Mùa mưa cho nước ra vô ao vườn, để vừa rửa chua phèn và giữ lại phù sa trong ao. Đến cuối mùa khô, sên lớp phù sa mới bồi này lên mặt liếp, vừa cung cấp thêm dinh dưỡng tự nhiên vừa để “dụ” cho rễ cây ăn lên, nên vườn cây ăn trái có thể khai thác vài chục năm vẫn chưa bị cỗi.

Có thể thấy là trong bốn miệt này, dù chỉ trồng lúa hay cây ăn trái, thì hậu duệ Sơn Tinh chưa bao giờ tìm cách ngăn chặn dòng nước, ngọt cũng như mặn. Bởi vì họ hiểu dòng nước đó sẽ mang đi chất phèn mặn, mang đến tôm cá và đặc biệt là nguồn phù sa dồi dào hàng năm, vừa bồi bổ thêm dinh dưỡng tự nhiên, vừa nâng dần mặt đất lên mỗi năm thêm ba bốn phân, nên dù Thủy Tinh có hung hăng gây ra ngập lụt thì chuyện đó cũng chỉ xảy ra nhất thời mà thôi.

Về lâu dài, cùng với sự góp sức tích cực của các “nàng Lúa” thì Thủy Tinh chẳng thể nào uy hiếp được họ. Do đó, mà tiền nhân luôn căn dặn con cháu là không bao giờ được “ngăn sông, cấm chợ” là như vậy!

Nhưng rồi mối tình keo sơn giữa con cháu Sơn Tinh và các “nàng Lúa” đó đã bị thử thách. Từ những năm 1960, trong xu thế của cuộc cách mạng xanh toàn cầu, con cháu Sơn Tinh đã “thay lòng đổi dạ”, họ dần dần bỏ hết các “nàng Lúa”, thay vào đó là những cái tên lạ hoắc như IR5, IR8, IR42, IR504 ...

Mấy “cô ả” nầy chảnh chọe không thể tưởng tượng được. Thứ nhất, tất cả đều lùn tịt, cao lắm thì cũng chỉ tròm trèm một mét; Thứ hai, ăn uống rất cầu kỳ, đòi hỏi thức ăn giàu dinh dưỡng hóa học, chế biến công nghiệp, lại hay trái gió trở trời nên cần không biết bao nhiêu loại thuốc bổ, dưỡng, sâu, rầy, dịch bệnh. Nhưng bù lại là các nàng này rất “mắn đẻ”, ngày xưa các “nàng Lúa” mỗi năm chỉ khai hoa nở nhụy có một lần vào lúc giáp Tết, còn các cô nàng mới nầy thì sinh sản quanh năm, nên người ta gọi là giống “cao sản”.

Cũng vì những đặc tính trái khoáy này, mà con cháu Sơn Tinh ở ĐBSCL phải chiều chuộng hết mức. Bắt đầu là chuyện đào kênh xẻ mương để tiêu úng xổ phèn trong những năm 1980, đắp cống đập ngăn nguồn nước mặn những năm chín mươi và khoanh đê bao khép kín ngăn hoàn toàn nước nổi những năm 2000.

Những nỗ lực đó đã làm cho Việt Nam “nở mày nở mặt” những năm đầu thế kỷ 21 và có lúc người ta còn lăm le soán ngôi đầu của Thái Lan về xuất khẩu gạo!

Nhưng rồi “cuộc tình” mới này mau chóng phai mất màu hồng. Bây giờ thì con cháu Sơn Tinh ở ĐBSCL luôn phải sống trong tâm trạng thấp thỏm lo âu. Năm nào Thủy Tinh dọa về sớm thì miệt bưng miệt ruộng của các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang phải thức trắng đêm tuần tra vì sợ bể đê bao.

Còn năm nào Thủy Tinh làm biếng không về thì miệt biển của các tỉnh duyên hải như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang lại nơm nớp lo nước mặn xâm nhập sớm. Ngay cả những năm mà Thủy Tinh “hiền khô” như năm 2019, thì miệt vườn Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang cũng xính vính vì nước ngập thành phố, quốc lộ và vùng cây ăn trái.

Biến đổi khí hậu và sự khai thác không bền vững dòng sông Mêkông của các nước thượng nguồn càng tạo cho Thủy Tinh có thêm sức mạnh. Nhưng nếu là ngày trước, thì con cháu Sơn Tinh cùng các “nàng Lúa” ở ĐBSCL sẽ sống rất ung dung, nơi nào ngập sâu thì cất nhà sàn, nơi nào lâu lâu mới ngập thì cất nhà kê, nếu thấy nước lấp lé nền nhà thì chỉ việc kê thêm táng (cục đá) là xong. Đi lại thì có ghe xuồng, sinh hoạt cộng đồng thì có chợ nổi trên sông trên rạch, còn muốn vui chơi rình rang thì cứ việc đua ghe, đua bò, lo gì bị Thủy Tinh uy hiếp!

Hóa ra dù có “văn minh” hay “giàu có” đến đâu mà hiểu sai lời dạy của ông cha, thì hậu duệ của Sơn Tinh ngày nay khó mà thắng nổi Thủy Tinh, bởi vì ngay trong chuyện cổ tích cũng đã chỉ rằng: Để thắng được Thủy Tinh thì phải làm cho mặt đất cao lên chứ đâu có biểu là phải ngăn cản nguồn nước bằng mọi giá?

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.