Ứng biến với nCoV: Cần có tinh thần "biến bại thành thắng"!
“Cần có tinh thần “biến bại thành thắng”, vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục, đưa nền kinh tế tiến bước, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân”.
Đó là thông điệp mạnh mẽ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây khi đề cập những ảnh hưởng của virus Corona (nCoV) đến mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch nCoV thì chúng ta cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Chúng ta đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch nCoV thì chúng ta cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh.
Thực tế, vẫn còn khá sớm để đánh giá tác động của dịch nCoV tới kinh tế toàn cầu trong cả năm 2020, nhưng chắc chắn là Quý I sẽ giảm sút nghiêm trọng. Những tác động từ dịch nCoV tới kinh tế Việt Nam là không thể tránh khỏi và đây cũng là tình hình chung trên thế giới.
Mặc dù cũng nhiều ý kiến cho rằng còn nhiều điều không chắc chắn về quy mô và mức độ của dịch, vì vậy cần có thái độ bình tĩnh tránh hoang mang, song nhìn chung quốc tế đánh giá về tình hình dịch bệnh nCoV là khá nghiêm trọng.
Theo đánh giá của Bloomberg, ảnh hưởng của nCoV lên nền kinh tế toàn cầu có thể lớn gấp 3 đến 4 lần so với SARS, có thể gây tổn thất kinh tế 160 tỷ USD. Không chỉ kinh tế Trung Quốc mà Hong Kong có thể giảm tăng trưởng 1,7 điểm %, Hàn Quốc và Việt Nam giảm 0,4 điểm %. Nhật Bản 0,2% trong quý I/2020.
Về phía Thái Lan, theo Phòng Thương mại Thái Lan, dịch bệnh từ nCoV là một trong các nguyên nhân sẽ kéo tăng trưởng kinh tế Thái Lan năm 2020 xuống dưới 2,5% do Thái Lan dự kiến thất thu khoảng 80 – 100 tỷ Baht chủ yếu trong ngành du lịch và các ngành kinh tế Thái Lan phải ưu tiên các biện pháp ứng phó với dịch bệnh.
Trước ảnh hưởng của nCoV đến nền kinh tế, tác động không nhỏ tới mục tiêu tăng trưởng, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thông điệp “không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng”. Đây không phải là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này và nó cho thấy quyết tâm lớn của Thủ tướng nói riêng, Chính phủ nói chung trong công tác điều hành nền kinh tế nước nhà.
Theo đó, Thủ tướng đã nhấn mạnh không đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2020 và phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh. Cần có tinh thần “biến bại thành thắng”, vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục, đưa nền kinh tế tiến bước, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.
Tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu dịch được khống chế kịp thời trong quý 1 này, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra). Nếu kéo dài sang quý 2 thì tăng trưởng ước tính GDP năm 2020 chỉ tăng 6,09% so với năm trước. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn.
Để làm được điều này, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải tái cơ cấu sản xuất, tiêu dùng, tín dụng; chủ động tìm kiếm thị trường; chỉ đạo mạnh mẽ để người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh phát triển, không ngành nào được dừng lại.
Hệ thống hành chính cả nước, từ Trung ương đến địa phương tập trung cao độ thực hiện tốt các nhiệm vụ, các công việc đề ra, bám sát thực tiễn và các kịch bản tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương theo quý và cả năm để có biện pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bảo đảm được mục tiêu tăng trưởng.
Có thể thấy, song song với tinh thần chống dịch như chống giặc mà Thủ tướng “phát lệnh”, ai cũng nhận thấy, những ngày này, toàn Đảng, toàn dân (nhất là ngành Y tế) đang căng mình ra phòng, chống dịch bệnh. Quyết liệt, không chủ quan, chủ động trong mọi tình huống… là những gì mà ngành Y tế và các ngành liên quan đang nỗ lực hết sức để có thể ngăn chặn dịch bệnh.
Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì “những người chống dịch là những chiến sĩ xung kích bảo vệ sức khỏe nhân dân. Những người sản xuất, kinh doanh để tăng cường bù đắp sự thiếu hụt cho nền kinh tế cũng là những người dũng cảm tiên tiến. Chúng ta cương quyết và có biện pháp mạnh mẽ không để giảm sâu tăng trưởng trong điều kiện có thể”.
Xin nhắc lại, những tác động từ dịch nCoV tới kinh tế Việt Nam là không thể tránh khỏi. Vì thế, rất hoan hô tinh thần quyết tâm của Thủ tướng và Chính phủ! Đồng thời, đây cũng là lúc mỗi người dân Việt Nam thể hiện ý thức cộng đồng vì một xã hội nhân văn hơn.
(Theo enternews.vn)
.