Ai cũng cần phải giữ hình ảnh của mình
(ABO) Trong những ngày qua, việc Facebook của tuyển thủ quốc gia Quang Hải bị hack, từ đó bị lộ lọt thông tin cá nhân với nhiều hình ảnh chụp nội dung tin nhắn của anh đã trở thành tâm điểm bàn tán trên mạng xã hội. Không chỉ dừng lại ở việc xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, việc lộ lọt thông tin cá nhân của Quang Hải cũng là đề tài “nóng” để báo chí khai thác, nhất là đối với báo mạng điện tử. Quang Hải cũng đã làm việc với cơ quan chức năng để được giải quyết.
Sau sự cố bị lộ lọt thông tin do Facebook bị hack, Quang Hải đã làm việc với cơ quan chức năng để được giải quyết. Ảnh từ Internet |
Trước đó, vào tháng 12-2019, nữ ca sĩ Văn Mai Hương bị lộ loạt clip riêng tư từ camera nhà riêng, được quay từ năm 2015. Nữ ca sĩ tuyệt vọng nhắn cho một người bạn: “Em chỉ muốn chết thôi”. Trong thời gian qua, việc bị lộ lọt thông tin như thế trên không gian mạng không còn là chuyện hiếm, mà ngày càng phổ biến hơn với mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng.
Qua thông tin báo chí, có ý kiến cho rằng người của công chúng thì phải biết giữ hình ảnh, giữ gìn đạo đức, lối sống, không chỉ vì sự nghiệp của họ, mà còn vì quảng cáo, đại diện thương hiệu và ảnh hưởng xã hội. Ý kiến ấy không có gì sai, nhưng chưa đủ. Không chỉ những người nổi tiếng mới phải xây dựng và giữ hình ảnh, mà bất kỳ ai cũng cần phải xây dựng và giữ gìn hình ảnh của mình.
Bởi trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, cùng với việc nhiều mạng xã hội ra đời với các tính năng chia sẻ hình ảnh, video clip, trạng thái, bình luận…, thì chỉ với chiếc điện thoại thông minh trong tay, chỉ cần một cú bấm máy là những hành động, cử chỉ, lời nói… thiếu chuẩn mực đều có thể bị tung lên mạng, trong đó đáng quan ngại là những thông tin gây bất lợi, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, cuộc sống… của cá nhân người bị tung tin.
Và không chỉ có người của công chúng mới có nguy cơ rò rỉ thông tin, mà bất kỳ ai cũng có thể bị tung những thông tin bất lợi lên mạng xã hội. Câu chuyện về người cha Đoàn Văn T. (quê An Giang, đang làm việc cho một công ty trong Khu công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) “dạy dỗ” con trai 4 tuổi bằng cách vừa bắt bé khoanh tay, vừa tát liên tục vào mặt và mắng, sau đó 2 năm, đến tháng 10-2019 thì đoạn clip không hiểu bằng cách nào đó đã bị tung lên mạng là một điển hình.
Sau khi xem đoạn video clip, cộng đồng mạng bức xúc, tìm đến nơi ở của T. để “hỏi chuyện”. Hậu quả là T. bị một nhóm người đánh hội đồng, anh chỉ biết chịu đựng mà không dám kháng cự. Hành động “dạy dỗ” con của T. như thế là sai, nhưng việc cộng đồng mạng kéo đến tận nơi để “đánh hội đồng”, “đòi công bằng” cho cháu bé cũng không đúng. Hình ảnh của T. đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Rồi đây T. phải đối diện với cuộc sống của mình như thế nào khi những hình ảnh không tốt về bản thân tràn ngập trên mạng?
Điều đáng quan ngại là trong thời gian qua, việc bị rò rỉ thông tin bất lợi trên mạng xã hội như trường hợp của tuyển thủ quốc gia Quang Hải, của ca sĩ Văn Mai Hương, của T. không phải là chuyện cá biệt. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay thì việc xây dựng và giữ gìn hình ảnh của bản thân không phải chỉ có người của công chúng cần quan tâm, mà đó là vấn đề chung của tất cả mọi người.
Công nghệ thông tin bùng nổ đã mang đến nhiều tiện lợi cho cuộc sống và thúc đẩy xã hội phát triển, đó là điều không thể chối cãi. Tuy nhiên, mặt trái của nó là chỉ cần một vài lời nói, đôi ba cử chỉ, hành động, cách ứng xử với các mối quan hệ… thiếu chuẩn mực, thiếu kiềm chế bị tung lên không gian mạng là cá nhân bị lộ lọt thông tin ngay lập tức phải đối diện với “thảm họa”, phải trả giá đắt, đôi khi phải rất khó khăn mới có thể vượt qua. Vì vậy ai cũng cần phải xây dựng và giữ gìn hình ảnh của mình để cuộc sống tốt đẹp hơn!
THIÊN LÊ