Thứ Sáu, 12/06/2020, 17:03 (GMT+7)
.

Chống "chạy" bằng mọi cách

Chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy quy hoạch, chạy phiếu bầu... gây ra nhiều hậu họa nhất khi làm hư hỏng cán bộ, suy yếu hệ thống “rường cột” nước nhà, làm xói mòn lòng tin của nhân dân.

Càng gần đến ngày Đại hội Đảng các cấp, câu chuyện về nhân sự lại nóng lên hơn bao giờ hết. Mọi người bàn tán râm ran, từ bàn trà đến quán nhậu, ở đâu cũng “tranh thủ” bàn luận.

a
Ảnh: TTXVN


Thực tế, có câu chuyện vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”, chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình. Đầu nhiệm kỳ nắm bắt tình hình làm từ từ, giữa nhiệm kỳ thì cố gắng một chút, cuối nhiệm kỳ có làm thì mức độ để còn có phiếu tiến cử.

Việc sợ mất phiếu, sợ mất lòng cấp dưới là nguyên nhân chính của tình trạng “mũ ni che tai”, nhắm mắt làm ngơ trước những khuyết điểm, vi phạm trong cơ quan, đơn vị. Cá biệt, có cán bộ còn a dua, hùa theo cái sai, kiểu sống “hai mặt” hay “nín thở chờ… Đại hội”.

Có trường hợp còn nghĩ rằng mình phải vận động “hành lang”, nếu cứ ngồi im chờ đợi là chức, quyền đi “toi”, do đó cần phải tiếp xúc với những người có quyền lực để được lưu ý, giúp đỡ, và trong những cuộc tiếp xúc ấy chính là sự mặc cả, đánh đổi bằng vật chất phong bì, dự án, đất đai… để chạy chức, chạy quyền.

Nó tạo nên một kiểu lợi ích cá nhân khác là thỏa thuận ngầm, kiểu “ông vận động mọi người bầu tôi, tôi cũng vận động mọi người bầu ông để… cùng có lợi”. Người ta tìm cách vận động bầu cho “người của mình” với mục đích khi “người của mình” vào vị trí lãnh đạo thì ngững người cùng cánh hẩu sẽ dễ làm ăn, thăng tiến.

Trong khi, có khá nhiều đảng viên không biết hết thông tin về các ứng cử viên trong danh sách bầu cử (nhất là ở các đảng bộ đông đảng viên, hoạt động phân tán, ít liên quan đến nhau), nên khi được nghe cán bộ “rỉ tai” nói tốt hay nói xấu về người này, người kia thì đảng viên dễ tin theo..v..v.

Hệ lụy là những ứng cử viên thực sự trong sáng, không vận động gì, thậm chí còn bị cố tình nói xấu thì dễ trượt, còn “con lươn, con chạch” thì lại trúng cử! Tức là, những người thẳng thắn, trung thực, có tinh thần xây dựng tập thể dễ bị “loại từ vòng gửi xe”.

Số người “dễ tính” sẽ có xu hướng tăng, khiến tinh thần phê bình và tự phê bình, tính xây dựng và tính chiến đấu trong tổ chức đảng bị suy giảm. Đây là việc hết sức nguy hiểm, thể hiện rõ sự suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Nhận được vấn đề “chạy”,  Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, được xã hội đón nhận tích cực. Quy định đã có, điều cần làm bây giờ là các cơ quan liên quan phải vào cuộc thực hiện quyết liệt để Quy định đi vào cuộc sống.

“... Làm gì phải “chạy”, tôi đã nói rồi “chạy” là không dùng, cái gì đến nó tự đến, hữu xạ tự nhiên hương, dân bây giờ tinh lắm, tại sao phải thế?" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề. Thế nhưng để thấy rõ ai “chạy”, để sàng lọc được những cán bộ luồn lách bằng mọi cách lọt vào bộ máy, không phải là việc dễ dàng.

Cần làm sao để nhận diện, chỉ rõ và loại bỏ ai không xứng đáng? Cần làm gì để chọn được người thực đức, thực tài lãnh đạo đất nước? Đó là những câu hỏi không dễ có lời giải vì trong điều kiện nền kinh tế thị trường hiện nay, tình trạng chạy chức, chạy quyền có phần tinh vi hơn, với nhiều thủ đoạn khác nhau, biểu hiện ngày càng phức tạp, khó nhận biết. Biến tướng của lợi ích vật chất, từ chiếc phong bì, lô đất… và mọi toan tính được che chắn trước - sau khó nhận diện được.

Tuy nhiên, một khi đã phát hiện “chạy” là không dùng! Bởi những người “chạy” chắc chắn là những người “không ra gì” xét về phương diện đạo đức và tài năng. Đây là quan điểm sáng suốt, điều này đồng nghĩa là chặn được một kênh phung phí tiền bạc đặc biệt lớn của nhân dân, là sách lược mang tính nhân văn làm nhân dân bớt khổ!.

Đồng thời, muốn ngăn chặn tình trạng “chạy” trước và trong mỗi kỳ Đại hội thì nên công khai các tiêu chí, tiêu chuẩn để chọn cán bộ từ cấp cơ sở đến cấp trung ương. Người làm công tác tổ chức cán bộ phải thực sự có tâm trong sáng, dân chủ, khách quan, minh bạch, chịu sự giám sát của các đảng viên, của nhân dân, cơ quan thông tin truyền thông đối với công tác cán bộ.

(Theo enternews.vn)

.
.
.