Thứ Ba, 23/06/2020, 15:30 (GMT+7)
.

Đừng để hành động đẹp của cậu học trò Phạm Trọng Đạt trở thành "lẻ loi"

Trong những ngày qua, một đoạn clip ngắn ghi lại hình ảnh cậu học trò nhỏ nhắn, trên đường đi học về trong cơn mưa chiều 16-6, thấy đường ngập do các miệng cống bị rác ứ đọng, gây tắc dòng chảy, em dừng xe, dùng tay móc rác, khơi thông hơn miệng cống trên một tuyến đường tràn ngập trên mặt báo và mạng xã hội.

Hành động của em được camera của một gia đình ven đường ghi lại, sau đó được đăng tải trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm, khen ngợi của nhiều người. Cùng với đó, các cơ quan báo chí vào cuộc và danh tính của cậu học trò đáng yêu đã được bạn đọc khắp cả nước biết đến, đó là Phạm Trọng Đạt, học sinh lớp 61, Trường THCS Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Phạm Trọng Đạt được biểu dương, khen thưởng. Ảnh Internet
Phạm Trọng Đạt được biểu dương, khen thưởng. Ảnh Internet

Gia đình Đạt thuộc diện tương đối khó khăn, em sống cùng ông bà ngoại và có học lực trung bình nhưng được mọi người yêu quý vì hay giúp đỡ bạn bè, sẵn sàng tham gia công việc chung của lớp. Giải thích về việc làm của mình, Đạt cho biết, lúc đó chỉ nghĩ móc rác ứ đọng cho cống không tắc nghẽn lúc trời mưa to, để khỏi ngập đường.

Trước hành động đẹp của Đạt, ngày 22-6, UBND huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai trao giấy khen đột xuất, cùng tiền thưởng cho em. Trước đó, Ban Giám hiệu, Hội Cha mẹ học sinh nhà trường, lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Long Thành, chính quyền địa phương, cùng một số đơn vị cũng đã đến trường biểu dương, khen thưởng kịp thời hành động đẹp của Đạt. Hành động của cậu học trò lớp 6 chắc chắn không chỉ truyền cảm hứng cho bạn bè cùng trang lứa, mà còn khiến cho người lớn phải suy nghĩ.

Việc quan tâm đến kết quả học tập của con cái ở trường thì không có gì sai. Nhưng chỉ xem kết quả học tập là thước đo duy nhất cho sự chăm ngoan của con trẻ, xem đó là “đường mòn”, “lối mở” duy nhất dẫn đến thành công thì chưa đủ và chưa đúng. Bởi một người được gọi là thành công thì kết quả học tập chỉ là một thành tố quan trọng, nhưng không phải là duy nhất, nó còn đòi hỏi nhiều thành tố khác cũng không kém phần quan trọng như kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử, tinh thần lao động, tinh thần trách nhiệm trong công việc, năng lực tư duy sáng tạo…

Và một thành tố quan trọng cũng không thể thiếu đó là sự sẻ chia, quan tâm đến cộng đồng, môi trường xung quanh. Đó là thành tố thiên về hướng nội, đòi hỏi phải có quá trình giáo dục, rèn luyện ngay từ nhỏ để tạo thành nội lực trong mỗi người. 

Thế hệ 7x chúng tôi ngày xưa lớn lên trong điều kiện rất khó khăn. Sân trường ngày xưa không được xi măng hóa như bây giờ, nghĩa trang liệt sĩ ngày xưa cũng chưa được khang trang, sạch đẹp như hiện nay… Nhưng đó là những nơi giúp thế hệ học trò 7x như chúng tôi rèn luyện lao động.

Còn nhớ, ngay từ những năm cuối tiểu học, chúng tôi phải thường xuyên đi lao động như làm cỏ, dọn dẹp vệ sinh sân trường trước khi tựu trường, làm cỏ ở nghĩa trang liệt sĩ nhân các dịp 27-7, Tết Nguyên đán… Chính những buổi lao động ấy đã rất bổ ích cho chúng tôi, không chỉ giúp rèn luyện kỹ năng, mà còn giáo dục về mặt ý nghĩa xã hội.

Xã hội ngày càng phát triển, trong thời đại ngày nay không thể bắt học sinh phải lao động như chúng tôi ngày xưa. Nhưng bằng cách này hay cách khác, chúng ta có thể giáo dục trẻ yêu lao động, biết quan tâm môi trường xung quanh, quan tâm đến cộng đồng, làm thế nào để góp công, góp sức xây dựng cộng đồng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Đó là chuyện của người lớn, không chỉ của ngành Giáo dục, mà còn là của gia đình và cả xã hội. Dường như vấn đề này vẫn chưa được quan tâm đúng mức, ngay cả trong nhà trường và gia đình. Chính vì vậy, những hành động đẹp như việc làm của Đạt đã trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết, trở thành hành động đáng được khen ngợi và biểu dương để có sự lan tỏa.

Biểu dương, khen ngợi hành động của Đạt là hoàn toàn đúng đắn, nhưng vấn đề ở chỗ đừng để những hành động đẹp ấy trở thành “lẻ loi”, mà phải làm sao để có nhiều, nhiều hơn nữa những hành động đẹp như thế trong xã hội. Đó mới là vấn đề mấu chốt đáng để không chỉ nhà trường, gia đình, mà toàn xã hội phải suy nghĩ…

THIÊN LÊ

.
.
.