Bệnh nhân số 416 và chuyến bay đặc biệt
Cập nhật: 08:24, 26/07/2020 (GMT+7)
(ABO) 1- Sau 99 ngày không có ca lây nhiễm ngoài cộng đồng, nên sự xuất hiện của ca nhiễm Covid 19 số 416 tại Đà Nẵng đã tạo sự quan tâm của dư luận; nó cho thấy tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang rất căng thẳng, nhiều quốc gia gần như mất kiểm soát với dịch bệnh.
Vì thế, người dân không được chủ quan với các biện pháp phòng, chống theo khuyến cáo của Bộ Y tế, bởi chúng ta vẫn đang trong trạng thái bình thường mới, nghĩa là chưa thật sự bình thường.
Bệnh viện C Đà Nẵng, nơi bệnh nhân D. đến khám ngày 20-7 hiện đã tạm dừng nhận bệnh nhân mới - Ảnh: TRUNG TRƯỜNG |
Ngày 25-7 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với các ngành để chỉ đạo ngay công tác ứng phó với dịch bệnh, người đứng đầu Chính phủ cho rằng việc xuất hiện ca bệnh số 416 cho thấy tình hình dịch bệnh còn phức tạp, trong khi một bộ phận người dân, địa phương đã lơ là trong phòng chống dịch; Thủ tướng yêu cầu mọi người cần bình tĩnh nhưng không chủ quan; khoanh vùng, dập dịch tích cực ở TP. Đà Nẵng; kiểm tra biên giới, cửa khẩu một cách chặt chẽ, ngăn chặn nhập cảnh trái phép…
Rõ ràng chúng ta đang thực hiện mục tiêu kép, đó là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, vì thế vẫn tiếp tục hỗ trợ các nhà ngoại giao, các quan chức cao cấp, các nhà đầu tư nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong thời gian ngắn để xử lý công vụ, đàm phán, ký kết hợp đồng đầu tư, rồi tạo điều kiện cho doanh nhân, trí thức người Việt, công dân Việt Nam là học sinh, sinh viên, người già, người đi thăm thân, du lịch hết hạn, bị kẹt ở nước ngoài và các trường hợp đặc biệt khác về nước.
Cho nên trong thời gian tới công tác phòng chống dịch vẫn còn đan xen nhiều vấn đề phức tạp cần có sự quyết liệt và nhịp nhàng hơn trong phối hợp của các Bộ ngành, địa phương. Thành tích của Việt Nam trong phòng chống dịch được thế giới ngợi khen, xem là hình mẫu, đó vừa là động lực, nhưng cũng là áp lực cho chúng ta trong thời gian tới.
Cả nước cần quyết tâm, đồng lòng và tiếp tục một tinh thần "Chống dịch như chống giặc" thì Việt Nam mới có thể duy trì trạng thái bình thường mới để thực hiện song hành nhiệm vụ phát triển kinh tế, ổn định xã hội, và đó cũng là điều kiện cần cho công tác chống dịch thành công.
2- Ngày 29-7 theo phương án của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, chuyến bay dự kiến chở 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo sẽ về nước, chuyến bay VN 5022 của Vietnam Airlines được xem là đặc biệt vì trong số 219 công dân về nước, có 120 có khoảng 120 người đã dương tính với COVID-19.
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, chuyến bay đặc biệt này sẽ khởi hành ngày 28-7 và dự kiến về Việt Nam ngày 29-7. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã cử 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng đi cùng máy bay đón bệnh nhân, kịp thời cấp cứu, điều trị trên hành trình rất dài này.
Do số lượng người nhiễm COVID-19 trong đoàn rất lớn, Bộ Y tế đã lên phương án kỹ lưỡng để đưa toàn bộ người bệnh và người liên quan trong đoàn cùng tổ bay về nước an toàn, hạn chế thấp nhất việc lây lan; sau đó là cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.
Chuyến bay hồi hương 350 người Việt từ Úc hạ cánh xuống Nội Bài ngày 13-7 (ảnh minh họa) |
Rõ ràng, việc đón 120 công dân dương tính với COVID-19 về nước để điều trị là một minh chứng cho chủ trương của Chính phủ là không để ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến với dịch bệnh, và bác bỏ dư luận cho rằng Việt Nam dấu dịch trong "cuộc chiến" vừa qua.
Qua kỳ tích điều trị cho bệnh nhân số 91- phi công người Anh, việc đoàn bác sĩ của bệnh viện Chợ Rẫy đã ra Đà Nẵng để hỗ trợ chữa trị cho bệnh nhân số 416, và sắp tới là chuyến bay đặc biệt đưa 219 công dân từ vùng dịch trở về, có thể khẳng định Việt Nam đất nước tuyệt vời, đã làm mọi cách để bảo hộ, đảm bảo sức khỏe cho công dân trước tình hình dịch bệnh còn rất phức tạp.
Trước đó, nhận thấy diễn biến dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng, tỷ lệ lây nhiễm cao, cần điều trị kịp thời, trong khi đó vụ việc xảy ra ở ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Do đó, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động, vừa thể hiện tính nhân đạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ tổ chức chuyến bay cứu hộ công dân để đưa toàn bộ số lao động trên về nước, đồng thời đảm bảo cách ly y tế và điều trị theo quy định.
Thủ tướng đã đồng ý và yêu cầu Bộ Ngoại giao, các đại sứ quán, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài làm việc với Chính phủ nước sở tại để tăng chuyến bay cứu hộ, mở các chuyến bay thương mại nhằm đón công dân Việt Nam, nhà đầu tư, chuyên gia về Việt Nam, đồng thời đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; có chuyến bay cứu hộ công dân ở Guinea Xích Đạo ngay tức thời trên tinh thần làm hết sức mình để bảo hộ công dân.
DS