Thứ Ba, 29/09/2020, 08:52 (GMT+7)
.

"Đói" lũ

(ABO) Những ngày qua, cụm từ “đói” lũ xuất hiện khá phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng để nói về thực trạng hiện nay của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nguyên nhân được các nhà chuyên môn đánh giá là do tổng lượng nước mùa lũ (từ ngày 1-6 đến 20-9) tại trạm khống chế toàn bộ nước trên dòng chính sông Mê Kông về hạ lưu bị sụt giảm rất mạnh, chỉ bằng 45% trung bình nhiều năm.

Thật ra, “đói” lũ giờ đây không còn là cụm từ mới đối với vùng đất vốn đã thường xuyên “sống chung” với lũ. Một điều chắc chắn rằng cụm từ “sống chung” với lũ sẽ dần được thay thế bằng cụm từ “đói” lũ. Dù sớm hay muộn, người dân ĐBSCL cũng sẽ dần thích ứng và nghĩ đến tìm cách sinh kế khác thay thế cho những năm “sống” chung với lũ.

Nếu lũ không về, người dân ĐBSCL tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.
Nếu lũ không về, người dân ĐBSCL tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.

Những năm gần đây, điều kiện sản xuất và sinh kế của vùng đất ĐBSCL có rất nhiều biến đổi, rõ nét nhất là nắng hạn kéo dài, lũ hạn chế dần, nhưng những đợt triều cường xảy ra bất thường, sạt lở xảy ra nghiêm trọng hơn… Bức tranh ĐBSCL vì thế đáng lo ngại hơn. Tựu trung nhiều yếu tố, các nhà chuyên môn cho rằng, đó là do tác động của biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại Hội nghị Phát triển vùng ĐBSCL do Chính phủ tổ chức gần đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã đưa ra nhận định, biến đổi khí hậu với ĐBSCL đã và đang diễn ra ngày càng nhanh hơn, khốc liệt hơn so với dự báo trước đây; tác động lớn đến phát triển bền vững của vùng ĐBSCL, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân trong vùng. Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã trở nên nghiêm trọng hơn bởi yếu tố con người như việc khai thác quá mức tài nguyên đất, nước... Nhiều ý kiến cũng cho rằng tác hại của “nhân tai” còn lớn hơn, đến sớm hơn tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Nhiều năm nghiên cứu về ĐBSCL, Ths. Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL nhìn nhận rằng, trong quá khứ, ở ĐBSCL người dân ĐBSCL không có từ “mùa lũ” mà chỉ có từ “mùa nước nổi” để chỉ mùa nước dâng do nước từ phía thượng nguồn Mê Kông đổ về, từ tháng 6 - 7 đến tháng 12 hằng năm. Đặc điểm lũ ở ĐBSCL  khác với lũ ở miền Trung và miền Bắc.

Lũ ở ĐBSCL dâng lên chậm và rút chậm, “hiền hòa” hơn so với ở miền Trung và miền Bắc. Điều này là do có hệ thống điều hòa tự nhiên gồm 3 “túi nước” đầu nguồn có khả năng hấp thu nước, điều hòa dòng chảy. Thế nhưng, trong những năm gần đây, từ sau trận lũ lớn 2011, nước lũ về ĐBSCL thường là lũ trung bình và thấp. Đỉnh điểm là lũ thấp cực đoan năm 2015 dẫn đến tình trạng hạn, mặn mùa khô 2016. Năm 2016 lũ có về, nhưng vẫn thấp hơn đỉnh trung bình nhiều năm, nên gây ra cảm nhận rằng từ nay ĐBSCL không còn lũ do các đập thủy điện chặn dòng.

Thật ra, “đói” lũ chỉ là cụm từ để nói lên một phần thực trạng của ĐBSCL. Lũ không về, người dân sẽ thiếu đi nguồn sinh kế, đất đai thiếu phù sa bù đắp nên cũng kém màu mỡ dần. Nếu năm nay lũ tiếp tục không về sẽ tiếp tục là bài toán khó cho chặng đường tiếp theo của người dân ĐBSCL. Và tất nhiên, cụm từ “đói” lũ sẽ là không mong muốn cho người dân khu vực vốn đã trù phú, màu mỡ này.

T.A

.
.
.