Thứ Tư, 07/10/2020, 22:06 (GMT+7)
.

Tương lai nào đang chờ ngành du lịch Việt Nam?

Đợt bùng phát COVID-19 lần 2 được xem như một đòn chí mạng đối với ngành du lịch Việt Nam. Vì thế, ngành du lịch Việt Nam cần phải làm gì để có thể nhanh chóng thích nghi với tình hình mới?
 
Đừng quá kỳ vọng vào thị trường nội địa
 
Theo nghiên cứu xu hướng du lịch của du khách Việt Nam hậu COVId-19 (Outbox Consulting, tháng 5/2020), mùa du lịch cao điểm của Việt Nam năm nay tập trung chủ yếu vào tháng 7-8. Thực tế, ngành du lịch Việt Nam đã có những dấu hiệu phục hồi thị trường nội địa rất khả quan trong tháng 7 với sự tăng trưởng đáng kể lượng khách du lịch nội địa đến các địa phương.

Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của COVID-19 đã nhanh chóng khiến tình hình du lịch trong nước có những diễn biến tiêu cực. Không may là, chúng ta đã đi qua mùa du lịch cao điểm nội địa. Dù nghiên cứu xu hướng du lịch của khách Việt Nam cũng cho thấy vẫn còn một đợt tăng trưởng đáng chú ý của thị trường du lịch nội địa vào giai đoạn tháng 10 năm nay, nhưng dưới những tác động mới của đợt tái bùng phát, ngành du lịch sẽ rất khó đạt được như giai đoạn tháng 7 vừa qua.
 
Một số địa phương vốn không có ca bệnh hoặc không liên quan đến ca bệnh cũng bị ảnh hưởng tiêu cực ngay sau khi dịch tái bùng phát. Các góỉ kích cầu gần như bị đóng băng ngay tức thì bởi số lượng khách huỷ tour tăng đột ngột. Bên cạnh đó, với ảnh hưởng của dịch đối với nền kinh tế, du khách có khả năng sẽ càng thắt chặt chỉ tiêu trong những tháng cuối năm để ưu tiên cho mọi kế hoạch tài chính dài hạn trong năm 2021 hay trước mắt là mùa mua sắm cuối năm và Tết Nguyên Đán.
 
Do đó, nếu đặt kỳ vọng quá mức vào khả năng có thêm một mùa cao điểm du lịch mới trong những tháng còn lại của năm 2020 và tiếp tục triển khai các chính sách kích cầu như đợt 1 sẽ khó bảo đảm mang lại kết quả khả quan mà có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra những tác động tiêu cực đến ngành du lịch trong nước vốn đã rất kiệt quệ ở thời điểm hiện tại.
 
Thị trường du lịch sẽ thay đổi như thế nào?
 
Du khách nội địa vẫn sẽ đi du lịch trong những tháng cuối năm ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, những chuyến du lịch này nhiều khả năng chỉ sẽ dừng ở quy mô nhỏ. Những địa điểm gần nhà, tại địa phương, những chuyến đi ngắn ngày dịp cuối tuần bằng phương tiện cá nhân đến các điểm nghỉ dưỡng biển, thiên nhiên sẽ tiếp tục là xu hướng quan trọng trong giai đoạn sắp tới. Khách Việt cũng sẽ ưu tiên lựa chọn điểm đến, sản phẩm du lịch an toàn và bảo đảm vệ sinh. Giá cả và sự linh hoạt trong hoàn, huỷ đổi ngày cũng sẽ được du khách Việt Nam đặc biệt quan tâm trong bối cảnh hiện tại.
 
Bên cạnh thị trường khách cá nhân, gia đình, các doanh nghiệp du lịch vẫn có quyền kỳ vọng vào thị trường khách incentives (khách khuyến thưởng) trong giai đoạn còn lại của năm 2020. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cũng như đề phù hợp với tình hình tài chính hiện tại, thị trường này cũng có thể sẽ yêu cầu cắt giảm các hoạt động, sự kiện tập trung đông người, sắp xếp giãn cách lượng khách, thay đổi điểm đến gần hay các yêu cầu về kiểm soát an toàn trong suốt quá trình thực hiện chuyến đi.
 
Với những thay đổi ngày càng rõ nét của du khách Việt Nam ở tất cả các phân khúc trong giai đoạn tới, ngành du lịch Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp du lịch cần phải làm gì để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại?
 
Chuẩn bị cho tương lai ngay từ bây giờ
 
Ngành du lịch Việt Nam sẽ không thể tồn tại trong thời gian dài nếu chỉ phụ thuộc vào thị trường nội địa. Việc đáp ứng nhu cầu di chuyển du lịch của du khách giữa các quốc gia mà vẫn có thể bảo đảm các yêu cầu về an toàn theo quy định của từng quốc gia trở thành một nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết.
 
Các thị trường quốc tế quan trọng của du lịch Việt Nam đều là những quốc gia bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nặng nề hơn ta rất nhiều. Do đó, sẽ có rất nhiều thay đổi trong xu hướng hành vi của những thị trường này so với những gì chúng ta đã biết. Để có thể trở thành sự lựa chọn hàng đầu của họ sau dịch, chúng ta cần những sự chuẩn bị chu đáo, bài bản và chuyên nghiệp hơn từ bây giờ.
 
Ở thời điểm hiện tại, trong khi ngành du lịch Việt Nam vẫn đang chật vật thì các quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Malaysia đã bắt đầu triển khai những kế hoạch truyền thông cụ thể để chào mời du khách quốc tế quay trở lại, có nơi đã đón khách du lịch quốc tế quay trở lại thông qua những sản phẩm đặc thù.
 
Một tương lai với những áp lực cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia trong khu vực cho cả thị trường quốc tế và thị trường nội địa đang chờ ngành du lịch Việt Nam. Để đứng vững trước áp lực to lớn này, không có cách nào khác là chúng ta phải chuẩn bị và sẵn sàng ngay từ bây giờ, xây dựng cho mình một giải pháp khả thi nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. 
 
(Theo enternews.vn)
.
.
Liên kết hữu ích
.