Thứ Bảy, 14/11/2020, 17:21 (GMT+7)
.

2 tỷ USD và thông điệp cốt lõi cho Đồng bằng sông Cửu Long

(ABO) Thông tin Thủ tướng Chính phủ đồng ý tăng thêm cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 2 tỷ USD trong giai đoạn tới được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội vào sáng ngày 9-11 đã tạo thêm động lực mới cho khu vực có nhiều tiềm năng này.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đưa ra lộ trình, các nguồn lực, định hướng các dự án đầu tư cho ĐBSCL, vốn đã và đang chịu tác động rất lớn của biến đổi khí hậu, hạn, mặn hay sạt lở trên diện rộng. Nguồn lực được tập trung cho ĐBSCL cũng nhằm hướng đến mục tiêu cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống cho khoảng 20 triệu dân trong vùng và đưa vùng đất trù phú, đứng đầu cả nước về lương thực, cây ăn trái… vươn lên.

Đó cũng là mục tiêu được Trung ương, các tỉnh, thành trong vùng luôn hướng đến. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để Nghị quyết số 120 ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu ra đời.

Nhiều hội nghị tham vấn phát triển ĐBSCL đã được các bộ, ngành tổ chức.
Nhiều hội nghị tham vấn phát triển ĐBSCL đã được các bộ, ngành tổ chức.

Song, nhìn ở khía cạnh khác, các chuyên gia cũng đưa ra khuyến nghị là ĐBSCL cần có một tư duy mới hơn cho chặng đường sắp tới với mục tiêu phát triển ổn định và bền vững. Tại Hội thảo về “Thông điệp cốt lõi của Kế hoạch ĐBSCL nhằm hỗ trợ cho Nghị quyết 120 của Chính phủ” do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đại sứ quán Hà Lan phối hợp cùng Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tại Việt Nam và Trường Đại học Cần Thơ tổ chức tại TP. Cần Thơ gần đây, các chuyên gia đã đưa ra một số điểm chung cho ĐBSCL.

Nhìn từ thực tiễn và xu hướng trong tương lai, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra 3 chủ điểm để phát triển ĐBSCL. Thứ nhất là kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng ĐBSCL trên cơ sở chủ động thích ứng chuyển hóa được những thách thức, biến những thách thức thành cơ hội đảm bảo được cuộc sống ổn định, khá giả cho người dân cũng như bảo tồn được những giá trị truyền thống, văn hóa của ĐBSCL.

Thứ hai là thay đổi tư duy phát triển, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy sản xuất nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng gắn với chuỗi giá trị; từ sản xuất nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao, chú trọng công nghệ chế biến công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp.

Thứ ba là tôn trọng quy luật tự nhiên, lựa chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm chủ động sống chung với lũ, mặn, khô hạn và phù hợp với điều kiện thực tế.

ĐBSCL được kỳ vọng sẽ cất cánh.
Với việc tập trung hạ tầng giao thông, ĐBSCL được kỳ vọng sẽ cất cánh.

Còn theo góc nhìn của TS. Đặng Kiều Nhân, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, để ĐBSCL phát triển bền vững, việc cần làm hiện nay chính là liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng. Khi tạo được liên kết, chúng ta có thể tìm ra sản phẩm đặc trưng của từng tiểu vùng. Việc kết nối hạ tầng kinh tế, giao thông sẽ giúp chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng trong nông nghiệp được triển khai một cách có hiệu quả. Việc liên kết giữa các tỉnh, thành còn tạo ra một không gian kinh tế mở, tất nhiên liên kết ở đây không phải là 1+1 = 2 mà phải là 1+1>2. Ở đây, liên kết còn là để kết cấu hạ tầng được đồng bộ, phát huy tốt nhất hiệu quả đầu tư.

Nhìn ở khía cạnh khác, tại Hội thảo tham vấn về định hướng tổ chức không gian và phát triển kết cầu hạ tầng vùng ĐBSCL được tổ chức ngày 13-11-2020, tại TP. Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, trước bối cảnh thách thức của ĐBSCL, các cấp, các ngành đã ban hành và thực thi nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật của vùng ĐBSCL để giải quyết sức ép về hạ tầng.

Song, những biện pháp này còn thiếu tính tổng thể, liên kết giữa ngành, địa phương, chưa mang lại hiệu quả thiết thực cho vùng. Do vậy, việc giải quyết hiệu quả vấn đề hạ tầng của vùng ĐBSCL cần phải xuất phát từ quan điểm tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực, trên cơ sở xử lý đồng bộ bài toán tổng thể với một tầm nhìn dài hạn trong sự phối hợp tham gia của tất cả các ngành kỹ thuật, kinh tế và xã hội bằng những công cụ xác đáng, mang tính kết nối cao.

Hay nói cách khác là cần phải xây dựng được khung chiến lược toàn diện và quy hoạch cho cả vùng ĐBSCL, làm cơ sở để triển khai các chương trình, dự án đầu tư phát triển đồng bộ, tổng thể kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng sản xuất cũng như việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở phát huy những tiềm năng, lợi thế của vùng trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Trước thách thức của ĐBSCL, đặc biệt là những hạn chế trong đầu tư phát triển hạ tầng, Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu cũng đã xác định xây dựng mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, bao gồm hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy được phát triển đồng bộ, kết nối trong vùng, liên vùng và phải bảo đảm kết hợp hài hòa, thống nhất, bổ trợ và không xung đột với hệ thống thủy lợi, đê điều; chưa kể hạ tầng thông tin và truyền thông, mạng lưới cấp điện, cấp nước, thoát nước được xây dựng đồng bộ…

Nhìn một cách tổng thể, ĐBSCL còn nhiều việc phải làm. Với việc tập trung nguồn lực cho ĐBSCL theo chủ trương của Chính phủ sẽ mở ra một chương mới cho ĐBSCL cất cánh, trở thành vùng phát triển năng động của cả nước.

T.T

.
.
.