Nguồn nhân lực và khát vọng hùng cường
(ABO) Dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII), đã nêu ra những mục tiêu của chặng đường sắp tới, trong đó đến năm 2045 Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Đây là mục tiêu nhiều thách thức, đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm; cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải nỗ lực với một khát vọng vươn lên, khát vọng về một Việt Nam hạnh phúc, đẹp giàu.
Và để đạt được mục tiêu này, dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII cũng đề ra 3 khâu đột phá, đó là: Thể chế, hạ tầng và con người. Rõ ràng con người tiếp tục được xem là nhân tố quan trọng. Nói là tiếp tục bởi từ Đại hội XI đã có cụm từ “đột phá chiến lược” và đã nêu ra 3 khâu đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Đến Đại hội XII vẫn tiếp tục hoàn thiện, bổ sung 3 đột phá chiến lược này. Cho nên có thể nói con người vẫn tiếp tục là nhân tố quan trọng, quyết định mọi vấn đề. Đột phá về con người là khâu đột phá của mọi đột phá.
Các cử nhân của Trường Đại học Tiền Giang trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: DS |
Nói là quan trọng bởi trong xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay và để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, yếu tố về nguồn nhân lực chất lượng cao là rất quan trọng. Làm thế nào để có đội ngũ nhân lực chất lượng đáp ứng với việc chuyển đổi số, có trình độ ngoại ngữ, có năng lực đàm phán, thực thi các hiệp định thương mại quốc tế... là vấn đề đặt ra cấp thiết hiện nay.
Ngoài ra, nguồn nhân lực chất lượng cao còn nói đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, đó phải là những người đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, ngoài một chiến lược phát triển lâu dài, thì hiện nay rất cần cơ chế có tính đột phá để thu hút nhân tài. Mới đây phát biểu tại buổi thảo luận tổ góp ý xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội XIII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gợi ý tập trung vào phát triển con người, xây dựng đội ngũ cán bộ gắn với thể chế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút và trọng dụng nhân tài, không để tình trạng "nhân tài như lá mùa thu".
Thời gian qua, chúng ta đã có những chủ trương, chính sách từ Trung ương đến các địa phương trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa như ý. Đâu đó vẫn còn tình trạng “chảy máu chất xám”.
Để có thể vươn ra biển lớn, sánh vai cùng các cường quốc 5 châu thì làm thế nào để tập hợp được sức mạnh của toàn dân, chung sức đồng lòng, cùng chung một ý chí, một khát vọng Việt Nam hùng cường? Đã đến lúc phải quyết liệt hơn trong việc đổi mới, cả về cơ chế, chính sách, đổi mới sáng tạo, gắn với trọng dụng nhân tài; phải tháo gỡ để mọi người, người tài, người giỏi tâm huyết đều có thể đóng góp trí lực của mình xây dựng đất nước, xây dựng một Việt Nam phát triển, giàu mạnh, xinh tươi.
D.S