Mạng xã hội: Thế giới ảo, hậu quả thật!
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các trang mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh và được xem như một kênh giải trí, học tập hữu ích. Tuy nhiên, do chưa được kiểm soát chặt chẽ nên trên các trang mạng này cũng xuất hiện nhiều clip phản cảm, độc hại, ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ em... dẫn đến mạng xã hội - thế giới ảo đã gây ra hậu quả... thật.
Hình ảnh Youtuber Thơ Nguyễn trong video "xin vía" từ búp bê khiến dư luận bức xúc. |
Tuần qua, đời sống văn hóa trong nước "nóng" với chuyện rất nhiều phụ huynh bức xúc trước YouTuber Thơ Nguyễn đăng tải một đoạn video dài gần 1 phút trên TikTok hơn 900.000 lượt theo dõi có nội dung về việc "xin vía" học giỏi cho các em học sinh. YouTuber này sản xuất các video vốn hướng đến đối tượng người xem là trẻ nhỏ và luôn thu hút được lượt xem “khủng”.
Đoạn clip này đã bị cộng đồng mạng phản đối dữ dội, kêu gọi tẩy chay clip cũng như YouTuber này vì cho rằng những clip như vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực, làm trẻ nhỏ có những suy nghĩ lệch lạc… Cục Phát thanh - Truyền hình - Thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) cũng xác định nội dung clip của YouTuber Thơ Nguyễn có dấu hiệu vi phạm truyền bá tư tưởng mê tín dị đoan và yêu cầu các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ.
Điều đáng nói đây không phải là người đầu tiên đang phải đối diện với nguy cơ bị xử phạt, thậm chí bị xử lý hình sự. Bởi trước đây đã có những Youtuber phải "trả giá" vì hành động đăng tải video nhảm nhí, phản cảm để "câu khách" tạo lo lắng về sự an toàn cho trẻ em mình trên môi trường mạng.
Cụ thể, vào tháng 10/2020, Thanh tra Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Bắc Giang đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng đối với chủ tài khoản Hưng Vlog do đăng tải trên tài khoản mạng xã hội YouTube Hưng Vlog video "Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi và cái kết". Trước đó, cũng chính chủ tài khoản này cũng bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng vì đã đăng tải video clip với tựa đề "Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết" gây phẫn nộ dư luận.
Sau Hưng Vlog, kênh YouTube D.T vlogs của Ð.V.T cũng bị Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Bắc Giang xử phạt 7,5 triệu đồng, xóa kênh vì đăng tải video có tên "Trộm gà nhà em hàng xóm nướng siêu cay mời em hàng xóm..." có các nội dung không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của Việt Nam.
Và chúng ta không khó để tìm kiếm những nội dung có tiêu đề gây tò mò, nguy hại tới nhận thức và hành động của trẻ em trên các video clip như ăn xương rồng, uống nước rửa bát, cho đá khô vào chai kín để phát nổ... Nguy hiểm hơn, có kênh youtube còn đăng tải clip “Thả 100 cái dao trên cao xuống” để trúng mục tiêu là miếng thịt lợn và quả dưa hấu… khiến người lớn khi xem cũng phải ớn lạnh.
Nghiêm trọng hơn, mạng xã hội còn xuất hiện nhiều clip có nội dung ghê rợn, bạo lực, thậm chí hướng dẫn người xem cách tự làm hại bản thân, xúi giục thử thách sinh tồn trong những tình huống nguy hiểm...
Có thể thấy, những nội dung phản cảm như vậy là mối hiểm họa vô cùng lớn đối với trẻ em - lứa tuổi chưa đủ nhận thức để phân biệt các hành vi an toàn và không an toàn. Khi xem những chương trình có nội dung độc hại, ngoài việc bắt chước làm theo rất nguy hiểm, trẻ nhỏ có thể sẽ bị ám ảnh về tâm lý dẫn đến trạng thái bất an, căng thẳng, rối loạn hành vi, thậm chí trầm cảm và có thể tự hủy hoại bản thân.
Trong khi đó phần nhiều những người thực hiện các clip độc hại, phản cảm rồi đăng tải trên các trang mạng xã hội là để... kiếm tiền. Chính lợi nhuận, nguồn thu lớn đã khiến một số người làm clip bất chấp pháp luật, đạo đức, miễn thu hút nhiều người theo dõi.
Vậy là không gian mạng xã hội với một kho tri thức bao la nhưng cũng là một cái "chợ đầy rác" đang là con dao hai lưỡi, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hình thành nhân cách của giới trẻ. Và câu chuyện của YouTuber Thơ Nguyễn hay Hưng Vlog… một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trong việc bảo vệ trẻ em khỏi những nội dung độc hại có nguy cơ ngày càng tràn lan, khó kiểm soát.
Thiết nghĩ, trong “cuộc chiến” với những video clip độc hại trên, rất cần sự vào cuộc của cả xã hội, từ nhà trường, cơ quan chức năng và nhất là các bậc phụ huynh. Trong đó đối với những clip xấu, độc, ảnh hưởng đến trẻ em thì cơ quan quản lý nhà nước cần mạnh tay xử lý và phải có chế tài đủ mạnh, đủ cứng rắn. Đặc biệt cần đóng các trang xấu đó lại chứ không chỉ dừng lại ở việc xử phạt, bởi các mức phạt không thấm vào đâu so với lợi nhuận mà các YouTuber đó thu được. Đồng thời các tổ chức đoàn thể, địa phương cần tạo nhiều sân chơi bổ ích, để các em không bị rơi vào việc xem các clip độc hại.
Mặt khác, chúng ta cũng cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để người lớn phải là tấm gương tốt cho con trẻ học tập. Phải cổ vũ, phát huy những video clip hay, có tính giáo dục, nhân văn, phù hợp, góp phần làm lành mạnh xã hội. Đây là cách “tuyên chiến” thiết thực nhất nhằm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.
Đối với nhà trường, việc nhận diện những nội dung xấu, có kỹ năng phòng và tránh những nội dung độc hại trên mạng xã hội cần trở thành một nội dung quan trọng trong chương trình giáo dục, giúp cho trẻ biết tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ nhiễm độc từ các nội dung tiêu cực. Các nhà sư phạm, các chuyên gia tâm lý trẻ em, các nhà quản lý, uỷ ban bảo vệ chăm sóc phụ nữ-trẻ em, hội bảo vệ trẻ em… cũng phải vào cuộc.
Và trước thực tế thế giới mạng đầy những phức tạp mà người lớn còn “sốc” này thì làm sao trẻ “thắng” được? Trong khi đó, các bạn nhỏ chưa có năng lực hành vi nên vai trò cảnh giác, định hướng, quản lý của phụ huynh là rất quan trọng. Và cách tốt nhất để bảo vệ con là bố mẹ cần đồng hành, quản lý, đề cao cảnh giác và dành nhiều thời gian hơn cho con, hướng dẫn và giúp con nhận diện được những tình huống không an toàn. Cha mẹ phải hướng dẫn rất kỹ con được xem gì; không nên xem gì; cần kiểm tra, giám sát thường xuyên những nội dung mà con mình đã và đang xem... để có những định hướng kịp thời.
Trẻ em như búp trên cành, là tương lai của đất nước, là đối tượng cần được quan tâm, bảo vệ nhất. Việc phát hiện kịp thời các nội dung xấu, độc ngay khi nó vừa xuất hiện và sự lên tiếng mạnh mẽ của cộng đồng rất cần thiết giúp cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xóa các nội dung này sớm nhất có thể. Muốn thế, toàn xã hội phải hành động nhiều hơn nữa, cha mẹ phải chủ động bảo vệ con nhiều hơn nữa vì một môi trường mạng lành mạnh cho trẻ em và để mạng xã hội, thế giới ảo không thể gây ra hậu quả thật./.
(Theo dangcongsan.vn)